Thủ tướng: Việt Nam đủ năng lực, nguồn lực, kinh nghiệm để kiểm soát dịch COVID-19

15:30' - 09/03/2020
BNEWS Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Việt Nam đủ năng lực, nguồn lực, kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh". "Chính phủ không bị động, bất ngờ trên mặt trận bảo vệ sức khỏe nhân dân".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thống Nhất- TTXVN

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, sáng 9/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo, trên thế giới ghi nhận 106.355 trường hợp mắc, 3.600 tử vong tại 102 quốc gia, vùng lãnh thổ. Xu hướng hiện nay cho thấy, số mắc mỗi ngày không có tình trạng tăng vọt, duy trì ở mức khoảng trên 1.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày và có thể tăng nhẹ trong một vài ngày tới.

30 ca dương tính với virus SARS-CoV-2

Đáng chú ý, tại Việt Nam, sau 22 ngày không ghi nhận ca mắc mới, ngày 6/3,  đã ghi nhận ca dương tính với virus SARS-CoV-2 thứ 17 tại Hà Nội. Sau đó ghi nhận thêm một số ca dương tính do có tiếp xúc gần với ca thứ 17. Cũng trong ngày 6/3/2020, ghi nhận 1 ca dương tính ở tại khu cách ly tập trung tại Ninh Bình.

Đến 20 giờ ngày 8/3, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 30 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó, 16 ca đã được điều trị khỏi, 14 ca mới ghi nhận ( gồm 5 ca người Việt, 9 ca người nước ngoài) hiện đang được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế. Trong 5 ca người Việt có 02 ca trên chuyến bay VN0054, 02 ca lây từ bệnh nhân người Việt số 17, 01 ca người Việt đi về từ Hàn Quốc.

Đối với chuyến bay VN0054, hạ cánh xuống sân bay Nội Bài 4 giờ 30 ngày 2/3 có 201 hành khách (26 người Việt Nam và 175 người nước ngoài). Khoang hạng C có 21 hành khách (2 người Việt, 19 người nước ngoài), 180 khách ngồi ở các khoang còn lại.

Đến 20 giờ 00 ngày 8/3/2020, Việt Nam đã ghi nhận thêm 13 ca mắc COVID-19 trên cùng chuyến bay VN0054; trong đó khoang hạng C có 2 ca người Việt, 10 ca người nước ngoài; khoang phổ thông có 01 ca người nước ngoài.

Trong 201 hành khách, hiện đã có thông tin nơi ở/nơi lưu trú của 156 hành khách và lộ trình di chuyển của những người này (cư trú tại 15 tỉnh, thành phố), còn 27 trường hợp đang cập nhật được thông tin về nơi lưu trú, cư trú.

Ban Chỉ đạo đã có công văn yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố thực hiện các biện pháp cách ly đối với hành khách trên chuyến bay VN0054. Đối với 27 trường hợp còn lại, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, xác minh các trường hợp chưa có thông tin cư trú, lưu trú để triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Ban Chỉ đạo đã thu thập được danh sách những trường hợp tiếp xúc gần với 02 ca bệnh người Việt. Theo đó, trường hợp bệnh nhân nữ có 38 người tiếp xúc gần F1; có 134 người tiếp xúc gần F2  và 70 người tiếp xúc F3. Trường hợp bệnh nhân nam có 60 người tiếp xúc gần F1 và 306 người trường hợp tiếp xúc gần F2.

Chính phủ luôn nắm vững tình hình

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Thống Nhất- TTXVN

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các cấp, các ngành đã có sự chuẩn bị tốt cho các diễn biến của dịch COVID-19 và sẽ làm tốt hơn nữa theo các kịch bản xảy ra.

Nhắc lại quan điểm chỉ đạo: "Chống dịch như chống giặc", Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ luôn nắm vững tình hình, vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, có phương án, kịch bản cụ thể để hành động theo phương châm: "Sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân".

Thủ tướng khẳng định: "Việt Nam đủ năng lực, nguồn lực, kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh". "Chính phủ không bị động, bất ngờ trên mặt trận bảo vệ sức khỏe nhân dân". Thủ tướng đề nghị người dân cần nâng cao kiến thức y tế để bảo vệ mình, gia đình.

Nhấn mạnh tinh thần: Chủ động, chủ động hơn nữa, cần có những biện pháp mạnh mẽ, Thủ tướng yêu cầu  tạo mọi điều kiện kịp thời về con người, vật chất; "sẵn sàng chiến đấu", tăng cường năng lực y tế từ Trung ương đến địa phương. Cùng với đó là cố gắng hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh dựa trên cơ sở hệ thống y tế và thực tế Việt Nam đã điều trị khỏi 16 ca dương tính với virus gây bệnh dịch COVID-19.

Biểu dương sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, lực lượng, đội ngũ y bác sỹ đã kịp thời xử lý nhanh trường hợp của bệnh nhân số 17, Thủ tướng định hướng: "Cần hiểu rõ, hiểu đúng, hành động đúng, bình tĩnh nhưng không lơ là, chủ quan, không để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát".

Từ đó, Thủ tướng chỉ đạo tất cả các địa phương trong cả nước kiểm soát tốt hơn nữa nguồn lây từ ổ dịch trong nước và đặc biệt là từ nước ngoài.

"Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong lúc này", Thủ tướng nói và yêu cầu các lực lượng Hải quan, Biên phòng, An ninh cửa khẩu, các sân bay kiểm soát người nhập cảnh kỹ hơn. Thắt chặt hơn nữa hoạt động du lịch, du lịch phải đảm bảo an toàn. đặc biệt là từ quốc tế bay về trong nước.

Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp khai báo không trung thực, và không khai báo y tế theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp và Bộ Y tế xem xét xử lý cụ thể từng trường hợp nhưng cần có thái độ dứt khoát để răn đe chung. “Cần nhận diện, khoanh vùng, cách ly, chữa bệnh, phản ứng nhanh và hiệu quả”, Thủ tướng nói và chỉ đạo trước hết cần kiên trì, cách ly các trường hợp khách du lịch đi trên chuyến bay VN0054 đủ 14 ngày.

Tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định, cần công bố thông tin liên quan đến dịch COVID-19 minh bạch, kịp thời; truy tìm nguồn lây nhanh nhất; đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu cho nhân dân. Thủ tướng yêu cầu tăng cường tuyên truyền cho người dân, tránh tình trạng đổ xô đi mua hàng tích trữ như những ngày vừa qua.

Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phải chuẩn bị cơ số cần thiết, không để thiếu hàng, sốt giá. Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh nâng giá hàng hóa quá đáng; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật.

Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương, các bệnh viện, các trung tâm y tế, các tổ chức, doanh nghiệp, từng hộ gia đình lập hoặc cập nhật phương án, kịch bản đã có để luôn sẵn sàng hành động. Các ngành phải phối hợp tốt, chặt chẽ với nhau.

Ban Chỉ đạo thường xuyên báo cáo Thủ tướng những quyết định quan trọng, những vấn đề lớn để xem xét, cân nhắc mọi phương diện.

Lực lượng khoa học công nghệ, kể cả Bộ Khoa học và Công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, các giáo sư bác sĩ đầu ngành, các viện tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phương thức phòng, chống và chữa bệnh, gồm cả chẩn đoán, xét nghiệm, phác đồ điều trị, vaccine.

Thủ tướng đồng ý việc hạn chế họp hành, tụ tập đông người, không tổ chức các cuộc họp không cần thiết, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong họp, chỉ đạo điều hành, học tập, khai báo điện tử, dạy qua truyền hình…

Thủ tướng đồng ý kiến nghị của Ban Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạm thời không cử cán bộ đi học tập, công tác nước ngoài trừ trường hợp đặc biệt được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ.

Các cơ quan truyền thông, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin kịp thời, minh bạch và chuẩn xác, kiên quyết chống lại, xử lý nghiêm minh thông tin sai lệch, thất thiệt, gây phức tạp xã hội. Phải làm công tác tuyên truyền thông tin đến nhân dân tốt hơn, tích cực hơn.

Tâm lý lo sợ của người dân còn nguy hiểm hơn là bệnh dịch, Thủ tướng nói và đề nghị tất cả người dân, mỗi cán bộ công chức, các lực lượng vũ trang cần có những biện pháp phù hợp, tự bảo vệ mình, gia đình mình, coi vệ sinh cá nhân, ăn uống sạch sẽ, lành mạnh như thói quen hằng ngày, ăn ở lành mạnh và lạc quan, tránh tụ tập đông người, hạn chế hội họp liên quan, giao lưu không cần thiết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục