Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng giải trình, làm rõ một số vấn đề dư luận quan tâm

15:33' - 17/02/2017
BNEWS Ngày 17/2, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Xây dựng.
Đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn-TTXVN

6 nhiệm vụ của Thủ tướng giao Bộ Xây dựng

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng phải sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Hiện nay các bộ ngành, địa phương đều phản ánh do quy định tại Nghị định 59/CP dẫn đến chậm trễ trong giải ngân cũng như khiến việc triển khai các thủ tục xây dựng rất khó khăn.

Vấn đề thẩm định, kiểm tra, xử lý, xử phạt các dự án thi công, trước đây thuộc các Sở Xây dựng nhưng giờ phải "xếp hàng" lên Bộ Xây dựng. "Doanh nghiệp, địa phương phản ánh rằng các dự án cứ điều chỉnh tí xíu là phải lên Bộ Xây dựng, gây khó khăn, lãng phí thời gian của doanh nghiệp, người dân. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng hết sức quan tâm, khẩn trương sửa đổi Nghị định 59/CP theo hướng phân cấp, chứ không phải bao cấp, ôm đồm" - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu rõ.

Thứ hai, hiện công tác quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch còn nhiều bất cập, yếu kém; quy hoạch chưa gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện, đặc biệt việc triển khai nhiệm vụ sau quy hoạch chung đã được phê duyệt còn trì trệ, không đáp ứng được yêu cầu quản lý. Việc chậm lập quy hoạch chi tiết dễ dẫn đến việc bắt tay, thỏa thuận quy hoạch, cơ chế "xin cho" sẽ tồn tại. Do đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng hết sức quan tâm vấn đề này, sao cho "không để nhà đầu tư luồn lách, điều chỉnh quy hoạch".

Thứ ba là vấn đề nhà ở. Chính sách phát triển nhà ở là chính sách hết sức quan trọng trong phát triển đất nước. Do đó, Bộ Xây dựng cần đặc biệt quan tâm vấn đề nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở đô thị, không dồn nén dân cư vào trung tâm các thành phố, xây quá nhiều nhà cao tầng trong nội đô. V ề phát triển thị trường nhà ở. Bộ cần quan tâm đánh giá đúng yếu tố cung - cầu của thị trường; đảm bảo phát triển lành mạnh bởi thị trường nhà ở liên quan đến sự an toàn của hệ thống tín dụng, ngân hàng.

Thứ tư về vấn đề đơn giá vật liệu xây dựng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ rõ: Đơn giá vật liệu xây dựng Bộ Xây dựng đã ban hành nhưng về các địa phương lại điều chỉnh đơn giá. Vấn đề cho thấy cần có sự phân cấp về thẩm quyền của Bộ, của các sở ngành tại địa phương. Bộ Xây dựng nên thống nhất với các địa phương để triển khai, không để nhà đầu tư luồn lách điều chỉnh giá..

Thứ năm là vấn đề vật liệu xây dựng liên quan đến bảo vệ môi trường. Bộ Xây dựng lưu ý đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo các vật liệu mới, vật liệu tái chế, vật liệu tại chỗ, vật liệu thân thiện với môi trường để đưa vào sản xuất, xây dựng. Trong đó, Bộ cần tìm giải pháp nghiên cứu, phát triển vật liệu thay thế trong nước để không phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Thứ sáu là vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ngành xây dựng. Hiện tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Bộ Xây dựng cơ bản là đúng tiến độ, kế hoạch Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, số doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán còn thấp. Do đó, Bộ Xây dựng cần báo cáo, giải trình thêm với Chính phủ về vấn đề này và tiếp tục chỉ đạo việc niêm yết và thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp, tránh để xảy ra tình trạng trục lợi trong quá trình cổ phần hóa.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục công tác hoàn thiện thể chế; tăng cường phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương trong vấn đề đầu tư, xây dựng; đồng thời chú trọng phân cấp trong quản lý xây dựng. “Phân cấp lần này rất mạnh mẽ, bao gồm cả phân cấp đến địa phương, ngành, tổng công ty, tập đoàn có liên quan đến xây dựng” – Bộ trưởng nói.

Về việc sửa đổi Nghị định 59/CP, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá đây là Nghị định phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề nên việc sửa đổi cần được nghiên cứu kỹ càng và sẽ sớm trình với Chính phủ.

Tích cực hoàn thành các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Tính đến ngày 10/2/2017, Bộ Xây dựng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 311 nhiệm vụ. Về tình hình thực hiện, số nhiệm vụ đã hoàn thành là 233/311 nhiệm vụ (đạt 75%). Số nhiệm vụ đang triển khai thực hiện (trong hạn) là 76/311 nhiệm vụ (24%). Số nhiệm vụ đã quá hạn chưa hoàn thành là 2/311 nhiệm vụ (1%).

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, việc vẫn còn một số nhiệm vụ thực hiện chậm so với tiến độ, nguyên nhân chính là do thủ trưởng đơn vị giao chủ trì chưa tập trung chỉ đạo triển khai, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, kịp thời.

Tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ của một số cán bộ, công chức được giao còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các đơn vị được giao chủ trì với các đơn vị khác trong Bộ và ngoài Bộ còn chậm, chưa thường xuyên. Trong khi đó, một số nhiệm vụ có nội dung công việc phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, ngành, cần có thời gian xử lý; một số bộ, ngành, địa phương trả lời văn bản xin ý kiến của Bộ Xây dựng còn chậm.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung triển khai, thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ quá hạn. Đối với nhiệm vụ "xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại Vinaconex", sau khi có hồ sơ và tài liệu cần thiết, dự kiến Bộ sẽ hoàn thành và báo cáo Thủ tướng trong tháng 2/2017.

Với nhiệm vụ "kiểm tra, khảo sát khu vực quy hoạch dự án Khu công nghiệp hồ điều hòa trên ô đất ký hiện A1/CXKV thuộc địa giới quận Hoàng Mai và quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội", sau khi thu thập hồ sơ tài liệu liên quan đến vụ việc, Bộ sẽ hoàn thành và báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2017. Đối với 69 nhiệm vụ, đề án đang triển khai thực hiện, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành đúng hạn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục