Thủ tướng yêu cầu rà soát lại những sơ hở trong điều hành để xảy ra tham nhũng

12:57' - 04/05/2016
BNEWS Sáng 4/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2016.

Sáng 4/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2016 và tìm giải pháp khắc phục một số vấn đề nổi lên thời gian qua gây trở ngại đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế và an sinh xã hội.

Tại Phiên họp này, Chính phủ cũng sẽ xem xét các dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước; kết quả rà soát pháp lý Hiệp định TPP và cho ý kiến đối với một số vấn đề quan trọng khác.

Phát biểu chỉ đạo Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là Phiên họp thường kỳ đầu tiên của Chính phủ sau khi được kiện toàn với 21 thành viên Chính phủ mới trong bối cảnh thời gian còn lại của nhiệm kỳ Khóa XIII chỉ còn chưa đầy 3 tháng và cả hệ thống chính trị đang tập trung chuẩn bị tốt đảm bảo cho thành công của đợt bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử HĐND nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ tiếp tục nỗ lực, đề cao tinh thần trách nhiệm, đặt quyết tâm cao hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội giao; khắc phục bằng được những hạn chế, tồn tại, hướng đến mục tiêu hình thành một Chính phủ phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Đề cập đến những vấn đề tồn tại nổi lên trong kinh tế - xã hội như: Nợ xấu cao; xâm nhập mặn ở Tây Nam bộ, hạn hán ở Tây nguyên; lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại; kinh tế quý I sụt giảm so với cùng kỳ, Thủ tướng đề nghị Chính phủ đoàn kết, bình tĩnh, quyết tâm hơn trong chỉ đạo điều hành. Phân tích các nguyên nhân dẫn đến tồn tại trong công tác của Chính phủ, Thủ tướng cho rằng, việc quản lý, điều hành chưa thực sự tuân thủ nguyên tắc của kinh tế thị trường dẫn đến tính cạnh tranh nền kinh tế còn thấp. Vẫn còn biểu hiện chấp hành pháp luật chưa nghiêm, kỷ cương đất nước còn lơi lỏng, nhất là trong cơ quan hành chính Nhà nước. Chưa có được môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp; lãng phí, quan liêu trong bộ máy Nhà nước còn diễn ra; nhiệm vụ xây dựng thể chế chưa được quan tâm đúng mức.

Đề nghị Chính phủ phấn đấu xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, nói không với tham nhũng, tiêu cực và không lãng phí, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ phải làm gương cho xã hội; rà soát lại những sơ hở trong quản lý, điều hành để xảy ra tham nhũng, lãng phí.

Định hướng các mục tiêu lớn của Chính phủ, Thủ tướng đề nghị các cấp các ngành, hệ thống chính quyền các cấp nỗ lực chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất tinh thần của nhân dân; đặc biệt là tìm mọi biện pháp thực thi mục tiêu tăng trưởng 6,7% và kiểm soát tốt lạm phát; đảm bảo đời sống người dân vùng thiên tai, thảm họa.

Thủ tướng cũng khẳng định chủ trương hành động của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ đặt 2016 là năm khởi nghiệp quốc gia, nhất với người trẻ. Chính phủ bảo hộ quyền kinh doanh, quyền tài sản của nhân dân, củng cố niềm tin thị trường để doanh nghiệp yên tâm hoạt động.

Lưu ý nhiệm vụ giữ gìn nguyên tắc dân chủ, kỷ cương trong quản lý, điều hành, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý kỷ cương phép nước trong xã hội và hệ thống hành chính; phát huy và đảm bảo dân chủ trong nhân dân nhất là đối với người yếu thế. Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ và thành viên Chính phủ chú trọng hơn nữa trong công tác xây dựng thể chế, đặc biệt là thể chế phù hợp với sự phát triển của trình độ công nghệ, của quy luật kinh tế.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, cần dựa vào nhân dân, hướng về nhân dân để phục vụ mới thành công, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày tại Phiên họp, do xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi cho nền kinh tế nên chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng liên tục trong 4 tháng đầu năm; tháng 4 tăng 1,33%, so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,89%. Tình hình thiên tai, nhất là hạn hán ở các tỉnh Tây nguyên, Nam trung bộ, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tăng trưởng thấp. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường biển làm cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất nuôi trồng, khai thác hải sản và hoạt động du lịch trên địa bàn, nhất là du lịch biển.

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định, trong phát triển kinh tế, khu vực dịch vụ vẫn giữ được đà phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng quý I/2016 cao hơn cùng kỳ năm trước; cơ cấu xuất nhập khẩu có chuyển biến, xuất siêu 1,46 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm; khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao so với cùng kỳ. Phát triển doanh nghiệp có bước chuyển biến mạnh mẽ nhờ tác động thực thi Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Đề xuất những giải pháp trong thời gian tiếp theo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các cơ quan liên quan đánh giá lại tình hình và dự báo sản xuất các vụ hè thu và vụ mùa; rà soát lại cung cầu lương thực, kế hoạch sản xuất gạo phù hợp với tình hình hiện nay; thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ các lĩnh vực thiết yếu vào các thời điểm thích hợp, không để tác động mạnh tới tình hình giá cả trong nước.

Chiều nay, các thành viên Chính phủ tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục