Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu ổn định gieo trồng 52.000 ha lúa

15:18' - 12/06/2017
BNEWS Tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu ổn định gieo trồng 52.000 ha diện tích lúa nước hàng năm.

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu ổn định gieo trồng 52.000 ha diện tích lúa nước hàng năm; trong đó, lúa chất lượng từ cánh đồng mẫu lớn đạt trên 17.000 ha; sản lượng lương thực có hạt đạt từ 31-32 vạn tấn/năm.

Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu ổn định gieo trồng 52.000 ha lúa. Ảnh minh họa: Nguyễn Thảo / TTXVN

Để đạt mục tiêu nêu trên, tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ các địa phương chuyển từ lối sản xuất manh mún sang cánh đồng mẫu lớn. Tỉnh đầu tư 460 triệu đồng hình thành bốn mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa với 100 ha.

Trong đó, hai mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng tại các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) và Đông Vinh (huyện Quảng Điền); hai cánh đồng mẫu sản xuất giống lúa tại HTX Thủy Tân (thị xã Hương Thủy) và Quảng Thọ (huyện Quảng Điền).

Nông dân tham gia cánh đồng mẫu theo mô hình khuyến nông được hỗ trợ 100% giống lúa, 30% vật tư, phân bón và 100% chi phí tập huấn kỹ thuật, thông tin từ ngân sách nhà nước; các HTX còn hỗ trợ thêm kinh phí để phá bờ thửa, vôi, phân vi sinh bón lót… cho nông dân.

Từ bốn mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất giống lúa chất lượng với tổng diện tích 100 ha đầu tiên, đến nay, các huyện, thị xã trong tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hình thành những cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 1.430 ha, hiệu quả kinh tế đã tăng cao, nhất là lợi nhuận của các HTX tăng từ 32% đến 39%.

Đặc biệt, việc liên doanh, liên kết trong sản xuất giữa các doanh nghiệp và các HTX nông nghiệp trên địa bàn được thực hiện rất hiệu quả.

Sản xuất tập trung theo hướng cánh đồng mẫu lớn, chính quyền địa phương và người dân chủ động đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng hàng nghìn mét kênh mương, giao thông nội đồng, đưa cơ giới vào sản xuất.

Chính nhờ sử dụng phương tiện cơ giới không chỉ giải phóng sức lao động, mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian từ 5 đến 10 lần so với sản xuất thủ công.

Để hình thành được vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá, HTX Nông nghiệp Thủy Phù đã xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng, vận động nông dân xóa bờ thửa, giảm từ 191 thửa /25 ha xuống còn 88 thửa/25 ha; tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí lao động, hạn chế sâu bệnh hại trong quá trình sản xuất.

Thông qua cánh đồng mẫu, HTX đã tạo điều kiện cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất; đồng thời, hình thành kênh tiêu thụ sản phẩm hợp lý, đảm bảo thu nhập và lợi nhuận ổn định cho người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Từ thành công bước đầu đó HTX Nông nghiệp Thủy Phù tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lên 50 ha, phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao lên khoảng 35% diện tích trong vụ Đông Xuân tới.

Chủ nhiệm HTX Đông Phú (huyện Quảng Điền) Lê Văn Thứ cho biết, yếu tố chủ yếu đem lại thành công trong mô hình cánh đồng mẫu là nông dân tổ chức sản xuất tập trung thành những cánh đồng có diện tích đủ lớn, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa cao. HTX vận động, hướng dẫn bà con đưa duy nhất một loại giống TH5 vào sản xuất trên toàn bộ diện tích khoảng 250 ha.

Người dân thật sự được giải phóng sức lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng, hàng hóa lớn và không lo bị thương lái ép giá khi được HTX tổ chức hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hộ xã viên và nông dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế Hồ Sỹ Nguyên cho biết, gần đây, việc xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa chất lượng đã tạo điều kiện thuận lợi để nông dân Thừa Thiên - Huế ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và góp phần tăng năng suất, chất lượng lúa.

Bên cạnh đó, để phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa hiệu quả, các HTX nông nghiệp cần liên kết tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đáng chú ý là bên cạnh việc tập hợp những nông dân nhỏ lẻ để hình thành cánh đồng mẫu sản xuất lúa với diện tích rộng hơn, các địa phương cần đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học, tạo điều kiện áp dụng những kỹ thuật mới và giải quyết đầu ra ổn định, có lợi cho nông dân.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và và Phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế tiếp tục hỗ trợ các HTX nông nghiệp trong tỉnh mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn, theo các tiêu chí: Quy mô diện tích mỗi cánh đồng mẫu ít nhất 20 ha; tập trung thành những vùng, liền bờ, liền thửa, mặt ruộng bằng phẳng, đảm bảo cơ bản về giao thông thuận tiện cho di chuyển của xe ô tô, máy làm đất, máy thu hoạch, tưới tiêu chủ động; cánh đồng chỉ gieo cấy một loại giống lúa; thực hiện thống nhất một quy trình kỹ thuật (bón phân, chăm sóc, bảo vệ thực vật), tổ chức sản xuất cùng một thời vụ (trong vòng 1-2 ngày).

Về điều kiện mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn, các địa phương chọn vùng (cánh đồng) ở các HTX có điều kiện, khả năng tổ chức thực hiện, có uy tín trong điều hành đối với xã viên, có năng lực cung ứng dịch vụ đầu vào.

Đồng thời, có sự đồng thuận cao nhất của nông dân tham gia trong cánh đồng về việc thực hiện các quy trình sản xuất.; vùng được chọn làm mô hình có tính chất sản xuất hàng hoá; nên có một doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm hoặc cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục