Thừa Thiên - Huế quyết bảo tồn giống quýt tiến vua

06:30' - 27/09/2017
BNEWS Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang huy động nguồn lực để khôi phục và phát triển quýt Hương Cần, một loại quả đặc sản mà ngày xưa đã được dùng để tiến vua.

Sở dĩ có tên gọi quýt Hương Cần, bởi loại quýt được trồng ở làng Hương Cần, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà.

Tại địa phương này hiện có gần 100 hộ dân trồng khoảng 10 ha đặc sản quýt Hương Cần. Diện tích quýt này mới được khôi phục thời gian gần đây, thông qua mô hình "Câu lạc bộ quýt Hương Cần" do Hội Phụ nữ xã Hương Toàn thành lập, với hơn 60 thành viên tham gia.

Các thành viên trong câu lạc bộ này được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây trồng tỉnh Thừa Thiên - Huế tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh cho cây quýt, đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất.

Theo Hội Phụ nữ xã Hương Toàn, việc được tập huấn kỹ thuật đã giúp các thành viên tăng năng suất, giá trị cho quýt. Hiện nay, mỗi kg quýt có giá 35.000 đồng. Mỗi sào (500 m2) trồng được khoảng 25 gốc quýt cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa.

Đặc sản quýt Hương Cần được người tiêu dùng ưa chuộng, bởi quả khi chín có màu vàng cam, vỏ xốp mỏng rất dễ bóc, có mùi thơm rất đặc trưng, các múi dễ tách ra, cơm màu hồng nhạt, có vị ngọt thanh. Theo các nhà vườn, quýt Hương Cần các đặc trưng như vậy là do được trồng trên đất phù sa được bồi đắp hàng năm.

Tuy nhiên, quýt Hương Cần lại dễ bị nhiễm sâu bệnh, cho thu hoạch từ cuối tháng 9 - 11 thường có mưa lũ nên quả dễ bị hư hỏng hoặc không bảo quản được lâu, vì vậy nhà vườn hay bị thiệt hại. Đây cũng là nguyên chính khiến người dân địa phương một thời không mặn mà trồng loại quýt này.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa nguồn gen quýt Hương Cần vào danh mục những gen quý hiểm cần bảo tồn. Cụ thể là đưa vào Đề án khung về “Bảo tồn nguồn gen tại tỉnh Thừa Thiên - Huế”, nhằm bảo tồn nguồn gen để phục vụ cho khai thác, sử dụng có hiệu quả quỹ gen cây trồng.

Tỉnh cũng đang tiển khai nhiều giải pháp để khôi phục quýt Hương Cần như: hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hoạch quýt; xúc tiến phát triển thương hiệu thông qua việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quýt Hương Cần; nhân giống và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm...

Trong khi đó, vùng ven sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu rộng hàng nghìn héc-ta ở Thừa Thiên - Huế thường có phù sa bồi đắp sau khi có mưa lũ nên thuận lợi cho phát triển quýt Hương Cần.

Để nâng cao giá trị cho đặc sản quýt Hương Cần, thì việc tổ chức bảo quản quýt bằng công nghệ cao là giải pháp đột phá nhằm kéo dài thời gian sử dụng, nâng cao giá trị sử dụng và tăng thu nhập cho người nông dân.

Giải pháp này do các nhà khoa học của Trường Đại học Nông lâm Huế thực hiện, thông qua Đề tài "Nghiên cứu sản xuất chế phẩm nano bạc có bổ sung chitosan nhằm ứng dụng bảo quản quả quýt Hương Cần tại Thừa Thiên - Huế".

Nhóm tác giả thực hiện đề tài này nhận định, đặc sản quýt Hương Cần có giá trị kinh tế cao, tồn tại và phát triển lâu đời ở Thừa Thiên - Huế và đang nằm trong danh mục quy hoạch phát triển cây ăn quả chủ lực của địa phương.

Để tăng thu nhập cho người trồng quýt Hương Cần, cần có giải pháp kéo dài thời gian sử dụng, nâng cao giá trị sử dụng cho loại quả đặc sản này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục