Thúc các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại nợ

16:06' - 27/04/2023
BNEWS Trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, giải pháp khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay cũ đang được nhiều doanh nghiệp trông chờ các ngân hàng triển khai để giảm bớt áp lực tài chính.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Thông tư này cho phép các tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với một số điều kiện cụ thể với thời hạn một năm kể từ ngày được cơ cấu lại. Thông tư này sẽ được triển khai từ nay đến hết tháng 6/2024.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, cơ chế hỗ trợ theo Thông tư 02 sẽ trực tiếp tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay gặp khó khăn về dòng tiền, thu nhập và doanh thu sụt giảm do phát sinh từ thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hoạt động sản xuất kinh doanh...

Các khách hàng của ngân hàng được gia hạn nợ, giãn nợ, mà không bị chuyển nhóm nợ giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ vay mà vẫn tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển. Trong bối cảnh khó khăn và yêu cầu về tạo động lực mới cho tăng trưởng thì chính sách cơ cấu lại nợ đang được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.Hồ Chí Minh (HoREA), việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 đã đáp ứng được kỳ vọng lâu nay của khách hàng và tổ chức tín dụng, nhất là cộng đồng doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư và người mua nhà.

Nếu hội đủ các điều kiện theo quy định của Thông tư, doanh nghiệp sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Điều này có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh thị trường và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Các chuyên gia của Maybank Investment phân tích, chính sách giãn nợ là một hành động cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước ở thời gian khó khăn này. Tác động đến nền kinh tế trong nước do những cơn gió ngược của toàn cầu và những quyết sách cứng rắn có phần vội vàng trong năm 2022 là khá nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao Chính phủ đã nhanh chóng thay đổi lập trường chính sách với tốc độ bất ngờ.

Về mặt tín dụng, Maybank Investment cho rằng, chính sách này là tích cực cho người vay và ngân hàng. Điều đó làm giảm bớt chi phí tài chính cho người đi vay và gánh nặng trích lập dự phòng cho các ngân hàng.

Nội dung Thông tư 02 tương tự như chính sách cơ cấu tạm hoãn nợ áp dụng cho những người vay bị ảnh hưởng bởi COVID-19, các ngân hàng trong nước, đặc biệt là những ngân hàng thận trọng sẽ chọn những người vay mà họ đánh giá là “tốt” để gửi tiết kiệm chứ không áp dụng cho tất cả người vay. Các ngân hàng thận trọng sẽ tiếp tục trích lập dự phòng cần thiết cho các khoản nợ thuộc nhóm 3.

“Thông tư này sẽ cung cấp cho các ngân hàng một lựa chọn/dư địa để chủ động quản lý việc trích lập dự phòng nhằm cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của ngân hàng”, báo cáo của Maybank Investment nhận định.

Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn triển khai chính sách cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh đôn đốc các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình nội bộ, Hội sở tập huấn cho đơn vị trong mạng lưới để tư vấn hỗ trợ, kịp thời, đúng đối tượng đủ điều kiện được gia hạn nợ theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh truyền thông chủ trương điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng để người dân và cộng động doanh nghiệp nắm bắt được thông tin.

Trong quá trình triển khai chính sách gia hạn nợ cho doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng nếu gặp khó khăn vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách và quy định của Ngân hàng Nhà nước có thể phản ánh về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh, việc cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ là chính sách không mới, song rất ý nghĩa và mang lại hiệu quả cao với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp.

“Điểm thuận lợi lần này là các tổ chức tín dụng vừa mới hoàn thành thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng bị tác động ảnh hưởng của đại dịch lịch sử COVID-19. Vì vậy, việc triển khai thực hiện Thông tư 02 lần này sẽ nhanh chóng và mất ít thời gian hơn trong khâu xây dựng quy định nội bộ; quy trình tác nghiệp; công tác hướng dẫn, ban hành và thực thi. Nhờ đó, Thông tư sẽ được triển khai kịp thời và chính sách phát huy hiệu quả nhanh”, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hàng Thông tư 02, một số ngân hàng thương mại cũng rục rịch lên kế hoạch triển khai xây dựng quy chế thực hiện.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, thời gian tới, HĐQT Sacombank sẽ họp để triển khai quy chế cụ thể về việc cơ cấu nợ trên cơ sở tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 02.

Tuy nhiên, việc cơ cấu nợ tại Sacombank sẽ được thực hiện trên cơ sở hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trước mắt nhưng đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục