Thúc đẩy bán hàng online qua nền tảng trực tuyến cho các chủ thể OCOP

16:19' - 15/11/2023
BNEWS Một trong những giải pháp bán hàng online hiệu quả là cần chia sẻ những câu chuyện về sản phẩm hay quy trình sản xuất truyền thống từ gia đình, tạo sự thu hút của công chúng và người tiêu dùng.

Ngày 15/11, tại Tọa đàm “Thúc đẩy bán hàng online qua nền tảng trực tuyến cho cộng đồng doanh nông trẻ và các chủ thể OCOP” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, nhiều đơn vị xúc tiến thương mại, sản xuất OCOP đã chia sẻ giải pháp bán hàng trực tuyến với kênh livestream. Đồng thời, các đơn vị sản xuất này cũng đánh giá livestream là một trong những kênh bán hàng trực tuyến tiềm năng cho hàng OCOP Việt Nam.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - nickname Hana Ban Mê, sở hữu kênh bán hàng “triệu view” chia sẻ, một trong những giải pháp bán hàng trực tuyến (online) hiệu quả là cần chia sẻ những câu chuyện về sản phẩm hay quy trình sản xuất truyền thống từ gia đình, tạo sự thu hút của công chúng và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người bán hàng online có thể quảng bá sản phẩm của chính gia đình mình, tiếp theo mở rộng danh mục sản phẩm địa phương với câu chuyện bản địa để tìm kiếm thị trường mới và cơ hội kinh doanh.

Còn ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đại dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng toàn cầu; trong đó có cả người Việt với cơ hội kinh doanh trên nền tảng số. Nhưng bán hàng trên sàn thương mại điện tử đối với đơn vị sản xuất nông sản, chủ thể OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cũng có những hạn chế nhất định về năng lực và khả năng tài chính, cạnh tranh giá và làm chương trình khuyến mãi...

Tuy vậy, vào tháng 4/2022 khi Tiktok Shop được cấp giấy phép ở Việt Nam thì đây được xem là cơ hội và phương thức bán hàng mới có thể trợ giúp hiệu quả cho đơn vị sản xuất nông sản, chủ thể OCOP. Tính đến nay, có khoảng 10.800 sản phẩm OCOP là 10.800 giá trị bản địa được người tiêu dùng tiếp cận thông qua những buổi livestream của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp với chủ thể OCOP địa phương.

Đặc biệt, qua kênh livestream, nhưng đơn vị sản xuất nông sản, chủ thể OCOP, hay nông dân đã nâng cao nhận thức bán hàng biết kể câu chuyện về sản phẩm. Đồng thời, những đơn vị này chú trọng hơn trong việc giới thiệu nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và xây dựng thương hiệu, bán hàng bằng niềm tự hào về sản phẩm bản địa.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ tháng 3/2023 đã giao Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp hỗ trợ các chủ thể OCOP truyền thông hiệu quả sản phẩm địa phương. Theo đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã tổ chức 24 phiên chợ OCOP ở 24 địa phương, với 700 phiên livestream sản phẩm thu về 100 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, đến nay Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp là một trong những đơn vị tiên phong thúc đẩy “go online”, với hàng loạt hoạt động khác nhau tại nhiều địa phương trên cả nước. Đồng thời, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã trở thành cầu nối và đơn vị tư vấn tin cậy cho cộng đồng doanh nông, doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp và chủ thể OCOP Việt Nam.

Từ kinh nghiệm triển khai chương trình đào tạo bán hàng online tại địa phương, bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Viện trưởng Viện ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo Mekong cho rằng, ngoài đào tạo cho chủ thể OCOP về công nghệ, phương thức cách vận hành hoạt động bán hàng online, phải tăng thêm một số kỹ năng về quy trình vận đơn, đóng gói... cho đến việc giải quyết cả phàn nàn của khách hàng.

Đồng Tháp cũng là một địa phương đầu tư phát triển sản phẩm OCOP, nhưng muốn thay đổi nhận thức trong cộng đồng phải có sự tham gia của cả cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, ông Phạm Ngọc Anh Tùng, Nhà sáng lập sàn thương mại điện tử nông sản Foodmap chỉ ra, bán thực phẩm online dễ mà khó vì mối lo hàng đầu là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một trong những vấn đề của bán thực phẩm online nữa là hạn sử dụng sản phẩm ngắn như nông sản chỉ phổ biến khoảng từ 3-6 tháng. Hay đối với sản phẩm tươi sống sẽ gặp khó hơn trong vấn đề vận chuyển, bảo quản và giao nhận hàng hóa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục