Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ APEC là cần thiết đối với Việt Nam

18:45' - 08/04/2017
BNEWS Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã thông qua sáng kiến về “Thúc đẩy Công nghiệp hỗ trợ APEC” do Nhật Bản và Việt Nam đồng chủ trì.
APEC 2017: Phát triển bền vững và mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ. Ảnh minh họa: TTXVN

Sáng kiến này nhằm đánh giá chính sách và kinh nghiệm trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và hiện đại hóa ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Từ đó, Việt Nam sẽ phối hợp với Nhật Bản và Ban Nghiên cứu hỗ trợ chính sách xây dựng Bộ hướng dẫn chính sách, Bộ thông lệ tốt về Công nghiệp hỗ trợ APEC để cải thiện chất lượng chính sách và thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, việc thực hiện sáng kiến đó là cần thiết bởi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chiếm 97% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hiện nay, nền kinh tế thế giới thế giới cũng phát triển và chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn muốn xuất khẩu sản phẩm ra thế giới cần có các doanh nghiệp phụ trợ và hỗ trợ.

Đó chính là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể họ chỉ sản xuất một sản phẩm, nhưng hết sức chuyên biệt. Khi sản xuất sản phẩm chuyên biệt như vậy thì việc hỗ trợ cho doanh nghiệp phải hết sức cụ thể bởi họ là đối tượng dẫn dắt của nền kinh tế...

Thực tế cho thấy, thời gian qua Luật doanh nghiệp hầu như chỉ phục vụ nhóm doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, thu hút đến 80% lượng vốn của Việt Nam, nhưng chỉ tạo ra 20% giá trị.

Trong khi đó, những doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn vay, nhưng lại tạo ra nhiều công ăn việc làm, giá trị và sự ổn định.

Bên cạnh đó, việc phá sản, thua lỗ và cả thất thoát hàng nghìn tỷ đồng hầu như lại rơi vào các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn, Tổng công ty. Do vậy, việc hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết và nên làm ngay, ông Quốc Anh cho biết.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, phát triển một cách bền vững và mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ không những tạo công ăn việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ mà còn góp phần củng cố nội lực của nền kinh tế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Đây cũng là một trong những lựa chọn chiến lược của nhiều nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển với nhu cầu sản xuất ngày càng gia tăng.

Một trong những trụ cột của năm APEC 2017 là tạo động lực cho các nền kinh tế thành viên hội nhập sâu sắc hơn vào các chuỗi cung ứng, sản xuất, giá trị khu vực và toàn cầu; thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho phát triển kinh tế của từng thành viên.

Dự kiến Hướng dẫn chính sách, Bộ thông lệ tốt sẽ được trình tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế cuối năm nay và là một trong những kết quả quan trọng của hợp tác APEC năm 2017./.

>>>Thành lập Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

>>>APEC 2017: Phát triển bền vững và mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục