Công nghiệp hỗ trợ sẽ đáp ứng 45% nhu cầu sản xuất trong nước?

17:18' - 02/03/2017
BNEWS Là một trong những nền kinh tế thành viên APEC, Việt Nam phấn đấu, đến năm 2020, công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 45% nhu cầu sản xuất nội địa.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực ô tô. Ảnh minh họa: TTXVN

Một trong những nội dung được đưa ra bàn bàn thảo tại Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ nhất (SOM 1) của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Nha Trang (Khánh Hòa) trong những ngày vừa qua là Chính sách công nghiệp hỗ trợ APEC. Là một trong những nền kinh tế thành viên APEC, Việt Nam phấn đấu, đến năm 2020, công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 45% nhu cầu sản xuất nội địa. 

* Nhiều hạn chế trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, nó trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia. Ở tầm vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ giúp giảm kim ngạch nhập khẩu đầu vào sản xuất, qua đó hạn chế các căng thẳng về thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế (nhất là cán cân thương mại) cũng như ngoại tệ đối với những nước nhập khẩu hàng hóa. Công nghiệp hỗ trợ còn có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp, đồng thời kích thích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. 

Do đó, có thể nói, công nghiệp hỗ trợ là ngành sản xuất công nghiệp mang tính nền tảng, chính yếu và là xương sống của nền công nghiệp quốc gia, quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. 

Tại Việt Nam, để khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản nhằm đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, gần đây nhất là Nghị định 111/2015 có hiệu lực từ 1-1-2016 và các Thông tư 01/2016/TT-NHNN, Thông tư 21/2016/TT-BTC... đã mở ra rất nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, cho đến nay, kết quả phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến năm 2016, cả nước mới có 1.383 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh nghiệp trên cả nước. Phần nhiều trong số này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực cạnh tranh yếu, tham gia chuỗi cung ứng ở mức rất thấp; giá trị gia tăng không nhiều do chủ yếu là gia công, lắp ráp, khó đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, đúng tiến độ và chi phí hợp lý theo yêu cầu của các đơn đặt hàng. 

Trong khi đó, số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay nước ta có khoảng 30 ngành kinh tế-kỹ thuật cần đến công nghiệp hỗ trợ. Trong đó có nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu có thể mang lại kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm nhưng lại đang phải nhập khẩu đến 80-85% nguyên liệu như: sản xuất, lắp ráp ô tô, dệt may, da giày… (tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 10-20%, ngoại trừ xe máy-tỷ lệ nội địa hóa đạt 70-75%). 

Hiện tại, các nhà cung cấp linh kiện phụ tùng cho các công ty nước ngoài chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khoảng cách về tiêu chuẩn chất lượng giữa các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước khá lớn. 

* Công nghiệp hỗ trợ sẽ đáp ứng 45% nhu cầu sản xuất nội địa?

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18-1-2017 về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025, với mục tiêu đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa. Đến năm 2025, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa. Theo đó, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc ba lĩnh vực chủ yếu là linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may-da giày, công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao. 

Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đồng thời thực hiện mục tiêu trên, các nhà kinh tế cho biết, trong thời gian tới các bộ, ngành liên quan cần rà soát kỹ lại các doanh nghiệp, từ đó, ưu tiên bố trí vốn kèm theo các chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất vay, thủ tục… để đưa ngành công nghiệp hỗ trợ đi lên.

Mặt khác, cần hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu, vật liệu, xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng cần nghiên cứu kỹ thị trường và chuỗi cung ứng ngành nghề. Đồng thời, chủ động liên kết, hợp tác liên doanh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các doanh nghiệp FDI để nâng cao sức cạnh tranh và tăng khả năng tham gia chuỗi cung ứng. 

Theo đánh giá của Vụ Công Nghiệp nặng Bộ Công Thương, khi Chương trình đi vào triển khai thực hiện, cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghệp phụ trợ, Việt Nam sẽ từng bước đạt được các mục tiêu đề ra về phát triển công nghiệp hỗ trợ trong một số ngành. 

Nằm trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ nhất (SOM 1) của APEC, Hội thảo Chính sách của APEC về công nghiệp hỗ trợ đã thu hút khoảng 50 chuyên gia đến từ các nền kinh tế thành viên tham dự. Trong đó, nhiều chuyên gia đến từ Nhật Bản và Việt Nam - hai nền kinh tế chủ trì sáng kiến Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ APEC. 

Tại cuộc hội thảo, Ban Nghiên cứu hỗ trợ chính sách APEC (PSU) đã thảo luận về 3 nghiên cứu điển hình về công nghiệp hỗ trợ tại Australia, Mehico và Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phối hợp với Nhật Bản và PSU xây dựng Bộ hướng dẫn chính sách/Bộ thông lệ tốt về công nghiệp hỗ trợ APEC nhằm mục tiêu cải hiện chất lượng chính sách và thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ khu vực. Dự kiến, Bộ hướng dẫn này sẽ được trình lên các Bộ trưởng thông qua tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế lần thứ 29 (AMM 29), tháng 11-2017 tại Đà Nẵng. 

  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục