Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn: Bài 1 - Chìa khóa chống biến đổi khí hậu

08:16' - 10/07/2022
BNEWS Kinh tế tuần hoàn là một cơ hội kinh tế cho Việt Nam phát triển các thể chế và chính sách mạnh mẽ, thúc đẩy kinh doanh bền vững cũng như giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm.

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang là khủng hoảng kép đối với nhân loại hiện nay. Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

 

Để quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn sớm được thúc đẩy tại Việt Nam, cần có sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của toàn xã hội, trong đó doanh nghiệp và người dân là động lực thúc đẩy, nhà nước đóng vai trò kiến tạo. Liên quan đến nội dung này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết: "Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn".

Bài 1 - Chìa khóa chống biến đổi khí hậu

Cam kết phát thải ròng bằng “0” được đưa ra bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) và việc giới thiệu định nghĩa về 'nền kinh tế tuần hoàn’ trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đánh dấu nền tảng trong quá trình chuyển đổi bền vững của Việt Nam. Các chuyên gia quốc tế nhận định, với những cam kết này, Việt Nam đã trở thành một trong 70 quốc gia cam kết giải quyết một trong những vấn đề cấp bách nhất của thời đại.

* Cơ hội phát triển bền vững

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, Trái đất đang phải đối mặt với 3 vấn đề nổi cộm gồm: tình trạng khẩn cấp về khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học. Các vấn đề này đều có chung nguyên nhân gốc rễ là sự phụ thuộc của con người vào nhiên liệu hóa thạch, những khoản đầu tư mang tính định hướng ngắn hạn và thiếu sự dự báo.

Kinh tế tuần hoàn là một cơ hội kinh tế cho Việt Nam phát triển các thể chế và chính sách mạnh mẽ, thúc đẩy kinh doanh bền vững và giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp cải thiện những bất cập của quá khứ mà còn hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn trong tương lai.

Với việc thay đổi cách khai thác, tiêu thụ và thải bỏ vật liệu theo hướng bền vững hơn, các chuyên gia quốc tế ước tính sẽ giúp giảm khoảng 45% lượng khí thải phát sinh. Kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều giải pháp như nông nghiệp tái sinh, gạch không nung, chất thải thành năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả, hóa học xanh... các giải pháp này rất quan trọng trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.

Bà Caitlin Wiesen cũng cho biết, tại Việt Nam, UNDP và Bộ Công Thương vừa hoàn thành dự án về hóa học xanh, trong đó hai công ty (Plato về mạ điện ở tỉnh Thái Nguyên và Nishu về sản xuất sơn ở Hà Nam) đã tham gia trình diễn ứng dụng hóa học xanh. Thí điểm đã thành công, giúp tiết kiệm 1.134.000 gigajun năng lượng, tương đương 42.000 tấn than, bên cạnh các lợi ích môi trường khác như giảm sử dụng hóa chất độc hại và thải ra môi trường.

Với 70% dân số sống ở các vùng ven biển và vùng đồng bằng trũng thấp, trong 30 năm qua, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đã tăng gấp đôi lên 38%. Vào năm 2050, 57% người Việt Nam sẽ được đô thị hóa, do đó việc xây dựng kinh tế tuần hoàn tại các đô thị là hết sức quan trọng. Trong đó, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên của Việt Nam xây dựng, nghiên cứu cấp thành phố về kinh tế tuần hoàn với việc ban hành Quyết định số 1102 về việc phê duyệt "Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng"'.

Ông Joseph E. Stiglitz, Giáo sư Đại học Columbia (Hoa Kỳ) và là người nhận Giải thưởng Nobel về Khoa học Kinh tế vào năm 2001 cũng nhấn mạnh rằng, các chương trình phục hồi kinh tế và tài chính của COVID-19 ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới cần phục vụ ba mục đích: phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững, giải quyết bất bình đẳng và hòa nhập. Giáo sư Joseph E. Stiglitz cho rằng các nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu của chính phủ các nước bao gồm Việt Nam sẽ tạo ra một nền kinh tế năng động hơn, tạo cơ hội to lớn cho phát triển kinh tế tuần hoàn; cùng với đó là sự phục hồi của nền kinh tế xanh cũng mang lại cơ hội cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn và tạo ra nhiều việc làm mới.

Công bố mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường về các kịch bản phát triển kinh tế biển xanh cho Việt Nam cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của kinh tế biển ở Việt Nam nếu áp dụng “kịch bản xanh lam và bền vững” sẽ cao hơn 34% (tương đương 23,5 tỷ USD). Tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người đối với lao động nghề biển sẽ cao hơn 77,9% (tương đường 7.100 USD) so với mức kịch bản thông thường vào năm 2030.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, so với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp. Những lợi ích này được thể hiện ở chỗ: phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng... Xã hội sẽ được hưởng lợi nhờ giảm chi phí trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân...

* Tăng cường năng lượng tái tạo

Theo các chuyên gia quốc tế, chi phí cho năng lượng tái tạo đang giảm dần, đây là một lợi thế để khuyến khích các nước hướng đến kinh tế tuần hoàn. Giá năng lượng tái tạo đã giảm 89% trong 10 năm qua và năng lượng mặt trời hiện là nguồn cung cấp điện rẻ nhất. Các nhà sản xuất, các tổ chức tài chính đang sản xuất năng lượng tái tạo với giá ngày càng thấp hơn.

Trên toàn thế giới, hơn 80% tổng công suất phát điện được lắp đặt vào năm 2020 là năng lượng tái tạo, trong đó năng lượng mặt trời và gió chiếm 91% tổng năng lượng tái tạo mới. Tổng công suất năng lượng tái tạo mới tại châu Á là 1,46 Terawatt (TW) vào năm 2021.

Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Tăng Thế Cường nhận định, châu Á là châu lục tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới và cũng là châu lục có mức tiêu thụ năng lượng cao nhất toàn cầu. Đây cũng là khu vực có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo cùng với kiến thức và chuyên môn đáng kể về năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp của năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển vẫn còn thấp so với các loại năng lượng truyền thống.

Cùng với quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế, chuyển đổi năng lượng đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Ông Harald Link, Chủ tịch tập đoàn B. Grimm Power Pcl, một doanh nghiệp phát điện hàng đầu của Thái Lan, cũng nhận định, sự phát triển mạnh của năng lượng sạch thúc đẩy sự đổi mới và điều này mang tới nhiều hiểu biết và mô hình để các nước châu Á học hỏi. Năng lượng tái tạo thực sự là tiêu chuẩn mới hiện nay, ở mọi loại hình năng lượng khác nhau như: gió, nước, mặt trời, nhiên liệu sinh học, sóng biển...

Đồng quan điểm, bà Caitlin Wiesen cũng cho rằng, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn không thể xảy ra nếu không bắt đầu từ vấn đề năng lượng. Việc sử dụng và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch đã dẫn đến tỷ lệ ô nhiễm không khí đáng báo động, gia tăng mối nguy hại về bệnh tật cho người dân, ảnh hưởng đến người nghèo, người già, trẻ em và những người làm việc bên ngoài trời.

Để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, các nước trên thế giới không chỉ cần áp dụng và mở rộng quy mô năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện) mà còn cần thúc đẩy mạnh mẽ hiệu quả sử dụng năng lượng.

Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo. Chỉ trong vòng 5 năm, Việt Nam đã mở rộng quy mô công suất năng lượng mặt trời từ gần như không có vào năm 2017 lên hơn 16.000 MW vào năm 2022, vượt xa các mục tiêu quốc gia. Việt Nam cũng có tiềm năng điện gió, đặc biệt là gió ngoài khơi, với hơn 3.200 km bờ biển. Trong hai năm 2022 và 2023, chỉ riêng tại tỉnh Sóc Trăng dự kiến sẽ có 20 dự án điện gió được lắp đặt./.

>>>Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn: Bài 2 - Xu hướng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục