Thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh

14:56' - 17/08/2020
BNEWS Thời gian tới, ngành ngân hàng đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển ngân hàng số, thúc đẩy phát triển "ngân hàng xanh".

Ngày 17/8, tại Hà Nội, Đảng bộ cơ quan Ngân hàng Trung ương tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đánh giá, ngành ngân hàng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cụ thể, ngân hàng đã điều hành chính sách tiền tệ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định. Quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng lên gần gấp 3 lần so với năm 2015, khẳng định tính đúng đắn trong việc hoạch định, thực thi chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá và ngoại tệ, đảm bảo năng lực điều tiết thị trường. Từ đó, góp phần nâng cao tín nhiệm, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng thời, chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế cũng tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Nguồn vốn bằng ngoại tệ và vàng được chuyển hóa thành tiền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thống đốc cũng nhất trí cao với một số hạn chế, khuyết điểm đã được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 chỉ ra trong các báo cáo trình Đại hội. "Điều đó thể hiện các đồng chí đã rất gương mẫu, cầu thị, nghiêm túc trong thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình", Thống đốc nói.

Trong nhiệm kỳ mới 2020 – 2025, Thống đốc cho rằng, ngành ngân hàng cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển ngân hàng số, thúc đẩy phát triển "ngân hàng xanh"; tăng tỉ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon.

Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi trước tác động của dịch COVID-19, ngành ngân hàng cần đồng bộ các công cụ, giải pháp về tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất, thanh toán để khôi phục nhanh nền kinh tế; tái cấp vốn cho một số chương trình, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên đặc biệt trước yêu cầu cấp bách do tác động của dịch COVID-19, chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng đảm bảo cung ứng đủ và kịp thời vốn với lãi suất hợp lý phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương Sơn Minh Thắng cho rằng, ngành ngân hàng cần  tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng; thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ theo đúng mục tiêu trong từng thời kỳ và phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục