Thực hiện đồng bộ 3 trụ cột để nâng cao giá trị thủy sản

14:30' - 10/06/2021
BNEWS Để đạt mục tiêu Chiến lược phát triển ngành thủy sản, ngành nông nghiệp thực hiện đồng bộ cả 3 trụ cột gồm: khai thác, bảo tồn và nuôi trồng gắn với chế biến.

Tại hội nghị trực tuyến về giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 10/6 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục giảm khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ, vùng lộng, tăng nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi biển. Cùng với đó, tập trung vào các khâu bảo quản, chế biến, giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch để nâng chất lượng thủy sản và gia tăng giá trị.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành thủy sản đang quyết liệt thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cùng đó, tập trung điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác; quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển cũng như quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Tuy thủy sản được xác định là trụ cột tăng trưởng cho ngành nông nghiệp, nhưng việc đầu tư còn chưa tương xứng về cơ sở hạ tầng như: cảng cá, tàu, quy hoạch nuôi trồng chưa tốt, hệ thống ngành thủy sản mỏng và yếu.

“Bộ đang cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Quốc hội về đầu tư công cho hạ tầng thủy sản giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, đề xuất Chính phủ những dự án vay vốn cho hạ tầng thủy sản. Nếu các nguồn vốn được thực thi thì hạ tầng thủy sản Việt Nam sẽ có bước thay đổi và đảm bảo cho phát triển thủy sản một cách bền vững.”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

Để khai thác hải sản bền vững, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ: nếu không làm tốt bảo tồn sẽ không có nguồn lợi, đảm bảo bền vững giá trị gia tăng và phục vụ xuất khẩu. Để đạt mục tiêu Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến 2030 và tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành nông nghiệp phải thực hiện đồng bộ cả 3 trụ cột gồm: khai thác, bảo tồn và nuôi trồng gắn với chế biến.

Vì vậy, nhằm đáp ứng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu, ngành phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ về giống, nuôi trồng, thú y phòng bệnh và bảo quản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, cơ cấu lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi và nâng cao giá trị.

Từ thực tế sản xuất và chế biến, ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở sản xuất và doanh nghiệp chế biến thủy sản đã gây khó khăn cho quản lý và cung cầu nguyên liệu thủy sản của địa phương.

Để phát triển mạnh công nghiệp chế biến thì nguồn nguyên liệu phải có quy hoạch đồng bộ. Tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo quyết liệt việc đầu tư thành lập các cụm công nghiệp chế biến thủy sản lớn gắn với nguồn nguyên liệu. 

Theo Tổng cục Thủy sản, trên cơ sở kế hoạch tăng trưởng của ngành thì tổng sản lượng thủy sản đảm bảo duy trì ổn định; trong đó, điều chỉnh giảm dần sản lượng thủy sản khai thác, tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.

Năm 2021, tổng sản lượng thủy sản dự kiến 8,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,61 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng 4,9 triệu tấn; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,6 tỷ USD.

Hiện nay, cả nước có 620 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp; trong đó, có 415 nhà máy, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU và các thị trường khó tính khác. Ngoài ra, có 3.000 cơ sở chế biến quy mô nhỏ tại các làng nghề truyền thống phơi khô, làm mắm, đông lạnh, đồ hộp. Các sản phẩm thủy sản chế biến của Việt Nam đã có mặt gần 180 thị trường trên thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục