Thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên: Bài 4-Sử dụng đúng mục đích quỹ đất nông lâm trường

13:19' - 24/05/2020
BNEWS Việc sử dụng đất không đúng đúng mục đích; việc xử lý đất giao khoán chưa đảm bảo quyền lợi của người dân đã gây ra những tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.

Sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014 của Chính phủ về “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh”, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai, tạo sự chuyển biến đáng kể trong công tác quản lý các nông, lâm trường theo cơ chế thị trường.

Tuy vậy, trên thực tế, tình trạng sử dụng đất không đúng đối tượng, không đúng mục đích vẫn tiếp diễn; việc xử lý đất giao khoán chưa đảm bảo quyền lợi của người dân, đã gây ra những tranh chấp, khiếu kiện kéo dài...

Vì thế, các bộ, ngành, địa phương cần sớm hoàn thiện và thực hiện ngay phương án quản lý, sử dụng quỹ đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất, hoặc không có đất ở, đất sản xuất. Đây chính là biện pháp cốt lõi để bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

*Nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết tháng 7/2019, tổng số công ty nông, lâm nghiệp và chi nhánh sau rà soát là 246 đơn vị với diện tích đất giữ lại gần 1,87 triệu ha tại 45 tỉnh, thành phố; diện tích các công ty nông, lâm nghiệp dự kiến bàn giao về địa phương để quản lý, sử dụng 463.088 ha.

Trong đó, đất giao khoán, liên doanh liên kết, cho thuê, mượn, đang có tranh chấp, bị lấn chiếm 267.445 ha, chiếm 57,75% tổng diện tích dự kiến bàn giao. Riêng đất đang có tranh chấp, bị lấn chiếm lên tới 133.800 ha, chiếm 28,89% tổng diện tích dự kiến bàn giao.

Từ khảo sát thực tiễn trên địa bàn Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu Trường Đại học Tây Nguyên và Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới cho rằng: Mâu thuẫn về quyền sử dụng đất lâm nghiệp xảy ra phần lớn liên quan giữa người dân địa phương với các đơn vị chủ quản rừng là các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, đối tượng rừng sản xuất.

Có những trường hợp dẫn đến khiếu kiện kéo dài giữa người dân địa phương với các doanh nghiệp tư nhân đang thuê đất, thuê rừng sản xuất để triển khai các dự án phát triển nông, lâm nghiệp.

Mặt khác, tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất vẫn đang xảy ra, một số nơi tranh chấp và mâu thuẫn giữa người phá rừng, lấn chiếm với các đơn vị chủ rừng không thể giải quyết được.

Tình trạng vi phạm trong sử dụng đất lâm nghiệp kéo dài, không được báo cáo sớm và xử lý dứt điểm, nên nhiều thành phần, không chỉ riêng người dân địa phương tiếp tục phá rừng, lấn chiếm.

Rừng của hầu hết các ban quản lý đều gặp phải tình trạng này, trong đó có những ban quản lý không thể kiểm soát tệ nạn phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Nguyên nhân do nhiều ban quản lý rừng phòng hộ được hình thành từ các lâm trường trước đây tách và sáp nhập, trong khi diện tích rừng và đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý có cả rừng phòng hộ lẫn rừng sản xuất, khi quy hoạch bao gồm cả đất rẫy của dân đã làm trước đó.

Trong quá trình các ban quản lý rừng phòng hộ quản lý, dân vẫn tiếp tục lấn chiếm, xâm canh tạo ra tình trạng “da báo” đất canh tác xen kẽ trong đất rừng phòng hộ.

Hơn nữa, ban quản lý rừng phòng hộ không có chức năng xử lý vi phạm, khi phát hiện sai phạm chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, ngăn chặn, lập biên bản và báo với đơn vị Kiểm lâm.

Song Kiểm lâm chỉ hỗ trợ xử lý những trường hợp vi phạm lâm luật, còn vi phạm liên quan đến đất rừng và tài sản trên đất như chòi, cây trồng… Kiểm lâm không đủ thẩm quyền xử lý, phải báo báo UBND huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường…

Việc xử lý các vụ vi phạm lâm luật chưa dứt điểm đã không thể hiện tính răn đe, cảnh báo, dẫn đến các đối tượng vi phạm coi thường pháp luật, người dân mất lòng tin vì thấy mất công bằng trong vấn đề sử dụng đất.

Đối tượng phá rừng là dân địa phương, nhưng sau đó cho thuê và sang nhượng cho nhiều đối tượng từ nơi khác đến, trong đó có một số lượng không nhỏ dân di cư từ các địa phương khác.

Cùng với giá một số loại nông sản tăng mạnh, nhiều người muốn mua đất để đầu tư. Đây chính là nguy cơ của tình trạng lấn chiếm, xâm canh đất lâm nghiệp, đã và đang diễn ra phổ biến tại các địa phương có rừng.

Hiện vẫn thiếu chế tài xử lý và giải quyết triệt để đối với tình trạng dân di cư tự do và tình trạng mua bán, sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép.

Sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong điều tra, xử lý các hành vi phá rừng, chống người thi hành công vụ như mua bán, vận chuyển gỗ, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp… thiếu chặt chẽ, chưa nghiêm và chưa kịp thời dẫn đến tình trạng các đối tượng vi phạm coi thường pháp luật và tiếp tục vi phạm….

Cơ chế hưởng lợi từ rừng còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm thu nhập để thu hút các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Việc sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp còn chậm, ảnh hưởng đến hoàn thiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phê duyệt phương án sử dụng đất.

Diện tích rừng do các công ty bị giải thể quản lý, hiện địa phương chưa xác định được phương án giao quản lý, bảo vệ phù hợp do không tìm được chủ để giao.

Giá trị của nguồn tài nguyên rừng ở tất cả các chủ thể quản lý chưa được định giá, báo cáo biến động dựa vào từng vụ việc xảy ra, chưa hệ thống và minh bạch làm cơ sở để giám sát và xử lý vi phạm về lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp trái phép.

Hướng liên kết thành công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên cũng là nguy cơ để các diện tích rừng hiện còn sẽ tiếp tục bị chuyển đổi, vì mục đích và kỳ vọng của phía doanh nghiệp góp vốn.

Chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên là cơ hội cho nhiều đơn vị chủ rừng, nhưng cũng là một thách thức cho các chủ rừng sản xuất, vì thiếu nguồn thu phục vụ trở lại cho bảo vệ và phát triển rừng…

*Những giải pháp khả thi

Ngày 17/4/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định 536/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với quan điểm lập quy hoạch là rừng được quản lý bền vững về diện tích và chất lượng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp.

Quyết định nêu rõ: Nguyên tắc lập quy hoạch đảm bảo quản lý rừng bền vững; khai thác, sử dụng rừng gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao giá trị kinh tế của rừng và giá trị văn hóa, lịch sử; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao sinh kế của người dân; rừng tự nhiên phải được đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Tuy vậy, công việc cấp bách hiện nay theo các chuyên gia là phải tập trung giải quyết tận gốc những mâu thuẫn về quyền sử dụng, tình trạng lấn chiếm, xâm canh đất lâm nghiệp.

Trước hết cần có sự thống nhất và phân công trách nhiệm cụ thể trong quản lý nhà nước giữa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Tài nguyên và Môi trường về quản lý đất lâm nghiệp.

Bởi trên thực tế, chức năng của Kiểm lâm là quản lý tài nguyên rừng dựa vào Luật Bảo vệ và phát triển rừng; xử lý vi phạm liên quan đến tài nguyên rừng dựa vào Nghị định 157/2013, nhưng không có thẩm quyền giải quyết những sai phạm trong sử dụng đất lâm nghiệp.

Bộ phận thanh tra, quản lý đất đai ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý đất lâm nghiệp phụ thuộc vào Luật Đất đai, xử lý vi phạm về đất đai dựa vào Nghị định 102/2014.

Những vụ vi phạm liên quan đến lấn chiếm đất lâm nghiệp, việc chỉ đạo được triển khai nhưng hồ sơ vẫn nằm ở đơn vị Kiểm lâm, trong khi tình trạng lấn chiếm và sang nhượng đất lâm nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra.

Mặc dù việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất của các nông, lâm trường quốc doanh được thực hiện từ những năm 2003, nhưng thực tế vẫn còn một số hạn chế như chậm tiến độ điều chỉnh mô hình sắp xếp; phê duyệt phương án sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các công ty.

Các địa phương chưa tập trung cho công tác hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật và pháp lý, để quản lý loại đất này một cách thống nhất với thực tế sử dụng.

Giải đáp về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện và thực hiện ngay phương án quản lý, sử dụng quỹ đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất.

Đồng thời, Bộ tiếp tục lập tổ công tác liên ngành xuống từng địa phương khảo sát đánh giá về công tác quản lý đất đai và công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường; tập trung thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất, trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất nông, lâm trường; giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân địa phương.

Tổng cục Quản lý đất đai sẽ tăng cường chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, doanh nghiệp trong công tác quản lý đất, thực hiện rà soát, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính, lập phương án sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất./.

Bài 5 - Giải quyết sinh kế của người dân sống gần rừng (TTXVN 25/5)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục