Thực hiện Nghị định 67: Gỡ vướng để chính sách không bị "nằm bờ"!

07:50' - 17/11/2015
BNEWS Hiện nay, Thanh Hóa đã lựa chọn được 3 thiết kế cho việc đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ. Các ngân hàng đã giải ngân đóng mới cho 10 tàu với tổng số tiền 35,5 tỷ đồng.

Đầu tháng 11, tin vui đến với ngư dân Thanh Hóa khi chiếc tàu đầu tiên được đóng mới từ cơ chế chính sách của Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) đã được hạ thủy. 

Chiếc tàu vỏ gỗ TH 92828-TS của ông Viên Đình Hiền (Sầm Sơn) được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, có thể tham gia đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển. Tàu có tổng kinh phí đóng mới 12 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn vay theo Nghị định 67 là 7,8 tỷ đồng.

Chiếc tàu được hoàn thành sau 6 tháng khởi công đóng mới, không chỉ là niềm vui của riêng ông Hiền, mà đã trở thành niềm hy vọng của nhiều ngư dân trong vùng.

Tàu TH-92828-TS được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ trong ngày hạ thủy tại Thanh Hóa. Ảnh: Hoa Mai-TTXVN

Ông Viên Đình Hiền cho biết, nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67, sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Sầm Sơn, gia đình ông đã thực hiện được ước mong đóng được con tàu công suất lớn, đủ điều kiện vươn khơi bám biển.

Trong tháng 11 này, tàu TH-92828-TS sẽ ra khơi chuyến đầu tiên, hy vọng chuyến đi biển này sẽ khai thác đạt hiệu quả cao. Gia đình ông sẽ sớm hoàn thành trả vốn vay, phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển nghề đánh bắt thủy sản của thị xã Sầm Sơn…

Sau hơn một năm triển khai Nghị định 67 tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt 47 hồ sơ cho các chủ tàu có đủ điều kiện tham gia đóng mới tàu cá, dịch vụ khai thác hải sản xa bờ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67, tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện; đồng thời ban hành kế hoạch, tổ chức hội nghị cấp tỉnh để triển khai thực hiện nghị định này.

Mặt khác, Sở cũng hướng dẫn tiêu chí lựa chọn đối tượng được vay vốn; trình tự, thủ tục đăng ký, xác nhận, thẩm định hồ sơ cho các chủ tàu được vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá theo chính sách tín dụng của Nghị định 67.

Bên cạnh đó, Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện đóng mới tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần với 47 tàu có công suất từ 400 CV trở lên; trong đó có 36 tàu khai thủy và 11 tàu dịch vụ hậu cần.

Tính đến hết tháng 10/2015, Thanh Hóa có 22 chủ tàu đã ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng để triển khai việc đóng tàu; trong đó có 15 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ. Cụ thể, Sầm Sơn có 10 chủ tàu, Tĩnh Gia 3 chủ tàu, Hoằng Hóa 2 chủ tàu và Hậu Lộc có 7 chủ tàu đã ký hợp đồng tín dụng.

Các ngân hàng đã giải ngân đóng mới cho 10 tàu với tổng số tiền 35,5 tỷ đồng. 25 chủ tàu còn lại đã nộp hồ sơ vay vốn tín dụng đóng mới tàu đang chờ ý kiến của ngân hàng.

Cùng với việc giải ngân của các ngân hàng, Công ty Bảo Việt Thanh Hóa cũng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp triển khai chính sách bảo hiểm với tổng kinh phí chi trả 3 đợt gần 4.575 tỷ đồng; trong đó tổng số tàu cá mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ lên đến 335 tàu…

Tàu TH-92828-TS đã được hạ thủy thành công. Ảnh: Hoa Mai-TTXVN

Để có được kết quả trên, ông Lê Đức Giang cho rằng, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã tích cực tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn các chính sách phát triển thủy sản đến ngư dân, để ngư dân hiểu rõ hơn về chính sách phát triển thủy sản.

Bên cạnh đó, các chủ tàu cũng chủ động đấu mối với các cơ quan thiết kế, ngân hàng và cơ sở đóng tàu để đóng mới tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.

Tuy nhiên, ông Lê Đức Giang cũng nhìn nhận, việc triển khai Nghị định này một số chủ tàu còn chưa chủ động trong việc lựa chọn mẫu tàu (hoặc thiết kế tàu), đấu mối với chi nhanh ngân hàng thương mại để lập hồ sơ vay vốn tín dụng đóng tàu, còn trông chờ, ỷ lại vào các cơ quan Nhà nước, hoặc chờ các chủ tàu khác làm trước mới làm theo.

Đáng chú ý, nhiều chủ tàu không đủ vốn đối ứng hoặc không dám vay do xét thấy không có khả năng trả nợ; sau thời gian dài lại đề nghị thay đổi loại tàu định đóng (từ vỏ sắt sang vỏ gỗ) và nghề khai thác (từ mành chụp sang nghề lưới rê) khiến cho việc thực hiện chưa được như mong muốn.

Bên cạnh đó, thời gian xử lý hồ sơ xin vay vốn cho các chủ tàu của các ngân hàng còn quá dài.

Đặc biệt, các ngân hàng còn yêu cầu chủ tàu thực hiện một số công việc mà khó hoàn thành được như đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh lại kinh phí dự kiến trong Quyết định phê đuyệt do tổng số vốn đề nghị vay vượt nhiều so với kinh phí dự kiến; yêu cầu chủ tàu phải có tài sản thế chấp để đảm bảo tiền vay; không cho vay khoản tiền nộp thuế giá trị gia tăng…

Cùng với những khó khăn trên, việc thực hiện chính sách ưu đãi thuế theo Nghị định 67 cũng còn vướng mắc. Theo Nghị định 67, chủ tàu được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với tàu khai thác hải sản và miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị… nhập khẩu để đóng mới tàu cá có tổng công suất máy từ 400 CV trở lên.

Do đó, có ngân hàng yêu cầu đơn vị cung cấp máy thủy xuất hóa đơn không có phần giá trị gia tăng, nhưng các đơn vị cung ứng máy, trang thiết bị thì không thể xuất hóa đơn có giá trị gia tăng là 0% được…

Trước những khó khăn trên và để ngư dân có cơ hội vươn khơi bám biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt và công bố thiết kế mẫu tàu cá vỏ gỗ và tàu DVHC khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, Thanh Hóa đã lựa chọn được 3 thiết kế mẫu tàu cá vỏ gỗ làm nghề lưới rê, lưới chụp và dịch vụ hậu cần nghề cá cho việc đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng tổ chức hội nghị để tháo gỡ khó khăn về vay vốn tín dụng đóng mới tàu cá. Đồng thời đề nghị Cục Thuế Thanh Hóa hướng dẫn nội dung chính sách ưu đãi thuế (về phần hoàn thuế GTGT) và nội dung Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 17/02/2015 về mức thuế GTGT cho tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần, để chủ tàu được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với tàu khai thác hải sản.

Ngoài những động thái cụ thể của địa phương, tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thêm thiết kế mẫu tàu vỏ thép, vỏ gỗ để chủ tàu thuận lợi cho việc chọn lựa, đóng mới.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn đầu tư phát triển cho các dự án ưu tiên đầu tư theo nội dung Công văn số 8699/UBND-THKH ngày 19/9/2014 của UBND tỉnh Thanh Hoá.

Nhờ có đội tàu trên, việc khai thác thủy sản của tỉnh có bước phát triển khá, sản lượng tăng từ 73,9 nghìn tấn năm 2010 lên 84,5 nghìn tấn năm 2014 và dự kiến năm 2015 đạt 94 nghìn tấn, đạt 123,7% mục tiêu; sản lượng khai thác hải sản bình quân hàng năm tăng từ 8 nghìn tấn đến 10 nghìn tấn; sản phẩm khai thác hải sản hàng năm cung cấp cho các nhà máy chế biến trong tỉnh đạt 45% đến 50% tổng sản phẩm đánh bắt được./.

Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục