Thực phẩm và nhiên liệu khiến lạm phát của Malaysia tăng cao

17:05' - 24/12/2021
BNEWS Cục Thống kê Malaysia (DOSM) cho biết, thực phẩm và nhiên liệu là các mặt hàng đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Malaysia lên mức 124 điểm trong tháng 11, cao hơn 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Giám đốc DOSM, tiến sỹ Uzir Mahidin, yếu tố chính khiến CPI tăng là do giá cả nguyên liệu thực phẩm thô tăng.

Ông Uzir Mahidin cho hay, giá thịt gà, thực phẩm chủ đạo trong các mặt hàng thịt và là nguồn cung cấp protein chính cho người Malaysia, đã tăng 16,7% do giá thức ăn chăn nuôi tăng, đặc biệt là từ các nguồn nhập khẩu.

Trong khi đó, một nguồn thực phẩm khác cung cấp protein cho nhóm cư dân thu nhập trung bình (B40) là cá cũng có sự tăng giá.

Trong tháng 11/2021, mức giá trung bình của cá thu đã tăng gần 11% so với một năm trước đó. Sữa, bơ, trứng và rau củ lần lượt tăng 4,2% và 3,4%.

Cùng với đó, giá các mặt hàng xăng dầu tăng cao 27,6% và giá điện cũng tăng 34,6% sau khi đợt giảm giá điện kết thúc vào tháng 9/2021.

Chỉ có một số ít các loại hàng hóa, dịch vụ không tăng giá như dịch vụ viễn thông, học phí và phí đường bộ, trong khi giá quần áo giảm 0,4% và các loại vitamin cũng bán ở mức thấp hơn 1,7%.

 

Ở cấp bang, tất cả các bang và vùng lãnh thổ đều cho thấy xu hướng tăng giá, trong đó 9 bang ghi nhận CPI cao hơn mức chung trên toàn quốc, trong đó CPI tại bang Terengganu tăng tới 4,3%.

Hai bang miền đông Sarawak, Sabah cùng hai vùng lãnh thổ liên bang Labuan và Kuala Lumpur có mức tăng CPI thấp nhất, từ 2,4%-2,7%.

Tiến sỹ Mohd Uzir chỉ ra lạm phát tăng 0,9% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm 2020 do thiết bị gia dụng và lĩnh vực bảo trì tăng 2,6%.

Theo quan chức này, lạm phát gia tăng là điều không thể tránh khỏi khi mà giá dầu thô toàn cầu cùng giá thực phẩm đều tăng. Ông dẫn chứng Mỹ là diển hình khi ghi nhập tỷ lệ lạm phát tới 6,8%, cao nhất kể từ năm 1982.

Giám đốc DOSM cho rằng tỷ lệ lạm phát sẽ tăng như là hệ quả tất yếu từ giá dầu và thực phẩm trên thế giới cũng như các nguyên vật liệu liên quan tới xây dựng.

Phó giáo sư, tiến sỹ Aimi Zulhazmi Rashid, chuyên gia kinh tế tại trường kinh doanh Kuala Lumpur cho rằng CPI tháng 11 tăng không còn là điều ngạc nhiên khi người tiêu dùng đã phàn nàn về giá cả thực phẩm tăng.

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Aimi Zulhazmi, thực tế này tác động tiêu cực đến sức mua của người tiêu dùng bởi chi phí sinh hoạt tăng.

Điều này càng đáng báo động đối với người tiêu dùng vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn khi nguồn thu nhập bị cắt giảm, thậm chí bị mất do tác động từ đại dịch COVID-19.

Ông cho hay Malaysia đã nhập khẩu một lượng lớn các mặt hàng thực phẩm ước tính trị giá khoảng 55 tỷ ringgit đến 60 tỷ ringgit, tương đương từ 13,1-14,3 tỷ USD mỗi năm.

Do đó, sự suy yếu của đồng ringgit so với USD sẽ tác động sâu sắc tới lạm phát, đặc biệt là đến sự ổn định của các mặt hàng lương thực.

Tiến sỹ Aimi Zulhazmi nhấn mạnh chiến lược kiểm soát tỷ lệ lạm phát của chính phủ phải được thực hiện trên cơ sở lâu dài, đặc biệt là đối với các mặt hàng thực phẩm.

Các chiến lược khác nhau như ngân hàng lương thực và ổn định tiền tệ phải được thực hiện đúng cách và hiệu quả để giải quyết vấn đề này.

Ông nói thêm rằng trợ cấp hiện nay do chính phủ cung cấp là một giải pháp ngắn hạn, gây tốn kém cho chi tiêu ngân sách.

Nhận định về tình hình lạm phát trong thời gian tới, Giáo sư Ahmed Razman Abdul Latiff, giảng viên Trường Kinh doanh Putra cho rằng CPI sẽ vẫn ở mức cao trong những tháng tới, do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có giá dầu thô.

Ngoài ra, các gói hỗ trợ của chính phủ làm tăng tính thanh khoản nhưng đồng thời dẫn đến nhu cầu cao hơn đối với các sản phẩm và dịch vụ. Đây cũng là nhân tố khiến lạm phát có xu hướng tăng trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục