Thực thi hiệu quả quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

21:17' - 04/07/2024
BNEWS Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) vừa có Công văn thông báo các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1/7.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) vừa có Công văn số 806/CT-HĐM gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1/7.

Theo đó, tại Công văn số 806, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông báo về việc từ ngày 1/7, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Quyết định số 07/2024/QĐ-TTg ngày 20/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có hiệu lực thi hành.

 
Chính vì thế, để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Nghiên cứu các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, Nghị định số 55/2024/NĐ-CP, Quyết định số 07/2024/QĐ-TTg, đảm bảo thực thi đúng và có hiệu quả các quy định của pháp luật.

“Các tài liệu tham khảo về điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 liên quan đến việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và một số tài liệu khác có liên quan được đăng tải tại mã QR gửi kèm theo Công văn. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiếp tục cập nhật thêm các tài liệu tham khảo khác (nếu có) vào mã QR nêu trên trong thời gian tới” - Công văn nêu.

Cùng đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành đảm bảo thực thi đúng, hiệu quả các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mặt khác, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuân thủ và yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh tuân thủ các mẫu quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 55/2024/NĐ-CP như các mẫu: Đơn đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; thông báo về việc bổ sung hồ sơ; thông báo về việc hoàn thành đăng ký; thông báo về kết quả thẩm định hồ sơ đăng ký; báo cáo tình hình kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã được công khai, áp dụng đối với người tiêu dùng trước ngày Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp được quy định tại khoản 2 Điều 80 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

Cụ thể, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không thuộc trường hợp phải đăng ký theo quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và công khai để phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 trước ngày 31/12/2024

Ngoài ra, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc trường hợp phải đăng ký theo quy định của pháp luật tại thời điểm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có hiệu lực thi hành, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải hoàn thành việc đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 trước ngày 31/12/2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục