Thực trạng đáng lo ngại tại các cơ sở hạt nhân dân sự ở Pháp

12:31' - 11/02/2019
BNEWS Chủ tịch của Cơ quan An toàn Hạt nhân Pháp (ASN) Bernard Doroszczuk đã nhấn mạnh trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Le Monde về sự "lão hóa" của công nghiệp hạt nhân Pháp.
Nhà máy điện hạt nhân Fessenheim. Ảnh: AFP/TTXVN

Được bổ nhiệm vào vị trí người đứng đầu ASN tháng 11/2018 với nhiệm kỳ 6 năm, ông Bernard Doroszczuk kêu gọi phải tăng cường các phương án dự phòng và huy động mọi nguồn lực để đảm bảo sự an toàn của các cơ sở hạt nhân dân sự.

Từ năm 2017, người tiền nhiệm Pierre-Franck Chevet đã tỏ ra lo ngại về vấn đề an toàn hạt nhân ở Pháp. Tuy vậy, trong năm 2018, đã không xảy ra sự cố nào liên quan đến mức độ an toàn và bảo vệ bức xạ nói chung.

Tại Pháp, các nhà khai thác năng lượng hạt nhân gồm Điện lực quốc gia EDF, công ty Orano và Hội đồng năng lượng nguyên tử CEA. Ông Bernard Doroszczuk cho rằng có vài điểm cần lưu ý. Có quá nhiều sự chậm trễ và thay đổi chiến lược ở tất cả các nhà khai thác, đặc biệt là trong các hoạt động thu hồi và xử lý chất thải cũ, như trong việc tháo dỡ các lò phản ứng thế hệ đầu và các cơ sở nghiên cứu đã xuống cấp. 

Pháp hiện đang phải đối mặt với các hiện tượng “lão hóa” ở tất cả các cơ sở hạt nhân, những nơi đã bắt đầu chạm đến thời điểm kết thúc hoạt động theo như dự tính ban đầu là 40 năm.

Chẳng hạn như sự ăn mòn đã được phát hiện trên các thiết bị phục vụ cho việc tái xử lý chất thải hạt nhân của các nhà máy của Orano tại thành phố La Hague, hoặc trên các bộ phận của hệ thống làm mát các máy phát điện khẩn cấp tại nhiều nhà máy điện của EDF. 

Ngoài ra, hàng loạt tiêu chuẩn chất lượng chưa được đảm bảo như thiết bị không được lắp đặt chính xác, các van bị lắp ngược hoặc không đủ chắc chắn để chống động đất... Chính vì vậy, ASN đã yêu cầu EDF đánh giá lại tình trạng các thiết bị trong đợt kiểm tra các lò phản ứng sắp tới để đánh giá mức độ an toàn một cách kỹ lưỡng, tập trung vào các rủi ro liên quan đến quá trình “lão hóa”.

Theo ông Bernard Doroszczuk, để cải thiện sự an toàn của ngành công nghiệp hạt nhân, trước tiên cần phải củng cố năng lực dự đoán. Năng lượng hạt nhân là lĩnh vực trong thời gian dài. Những gì không được cam kết trong vài năm tới sẽ không thể đưa vào thực hiện trong vòng 10 năm sau đó. Năng lực dự đoán rất quan trọng đối với chu trình nhiên liệu, trong đó một phần được xử lý lại để tái sử dụng. 

Khả năng lưu trữ của Orano tại La Hague đã được sử dụng đến 93%. Do đó, sẽ cần phải có chỗ chứa mới, ví dụ như một hồ tập trung nhiên liệu đã qua sử dụng. Tương tự với việc tháo dỡ các lò phản ứng, sẽ tạo ra một khối lượng chất thải đáng kể trong những năm tới. 

Theo lộ trình phát triển năng lượng của Pháp, nhiều lò phản ứng hạt nhân sẽ phải ngừng hoạt động trong tương lai gần. Tỷ trọng điện hạt nhân sẽ phải giảm từ 75% hiện nay xuống còn 50% vào năm 2035. Điều đó đặt ra vấn đề tái xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng.

Bên cạnh đó, Pháp đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng lò phản ứng nước áp lực thế hệ thứ 3 (EPR) tại nhà máy điện hạt nhân Flamanville bên bờ biển Manche. Theo ông Bernard Doroszczuk, đây là kết quả của sự đánh mất kinh nghiệm của ngành công nghiệp hạt nhân. Trên thực tế, Pháp đã không xây dựng bất kỳ một lò phản ứng nào trong 20 năm qua.

Các vấn đề gần đây mà Pháp phải đối mặt trên công trường EPR liên quan đến kỹ năng và chất lượng sản xuất. Vì vậy, ông Bernard Doroszczuk nhấn mạnh, toàn bộ ngành công nghiệp hạt nhân phải tăng cường việc đào tạo các kỹ năng và triển khai các phương án tối ưu nhất nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn của các cơ sở. 

Nếu không sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án lớn trong tương lai, chẳng hạn như "tái trang bị" nhằm kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng, hoặc xây dựng các cơ sở hạt nhân mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục