Thuế thương mại điện tử - Bài 1: Thất thu lớn ngân sách nhà nước

16:00' - 30/06/2022
BNEWS Chính sách thuế đối với thương mại điện tử của Việt Nam hiện nay bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.

Sự xuất hiện của Internet và các loại hình kinh doanh mới đã mở ra thời kỳ phát triển của thương mại điện tử với những đặc trưng khác so với các hoạt động thương mại truyền thống. Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng được mở rộng và phổ biến, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 và mang lại thuận lợi cho người tiêu dùng.

Sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ đã đưa thương mại điện tử trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam. Song đây là loại hình kinh doanh mới nên đặt ra những thách thức không nhỏ đối với quản lý thuế.

Làm thế nào để vừa chống thất thu ngân sách, vừa đảm bảo sự công bằng trong nghĩa vụ thuế giữa lĩnh vực thương mại điện tử và lĩnh vực thương mại truyền thống là bài toán đặt ra đối với ngành thuế hiện nay. Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm 3 bài về Thuế thương mại điện tử để làm rõ những nội dung này.

Bài 1: Thất thu lớn ngân sách nhà nước

Chính sách thuế đối với thương mại điện tử của Việt Nam hiện nay bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Trong những năm gần đây, chính sách thuế về thương mại điện tử đã dần được hoàn thiện, phù hợp với xu hướng tiêu dùng, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam. 

Tuy nhiên hiện nay, số thuế thu từ lĩnh vực này đang ở mức khá khiêm tốn chưa tương xứng với doanh thu khủng của các nền tảng kinh doanh trong nước và xuyên biên giới ở Việt Nam, có thể gây ra thất thoát cho ngân sách nhà nước, tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh. Chính người đứng đầu ngành tài chính Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã phải thừa nhận: “Hiện nay chúng ta đang thất thu rất lớn đối với sàn thương mại điện tử và kinh doanh công nghệ”.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thuế cho thấy, với thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ quan thuế đang quản lý thông qua các tổ chức tại Việt Nam nộp thuế thay tổ chức nước ngoài với số thu trung bình hơn 1.100 tỷ đồng/năm. Từ năm 2018 đến hết tháng 4/2022, các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền hơn 5.111 tỷ đồng; trong đó một số đơn vị lớn như Facebook nộp 1.965 tỷ đồng; Google nộp 1.902 tỷ đồng; Microsoft nộp 651 tỷ đồng.

Năm 2018 số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 770 tỷ đồng; năm 2019 đạt 1.168 tỷ đồng; năm 2020 đạt 1.143 tỷ đồng, năm 2021 đạt 1.591 tỷ đồng...

Với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ dịch vụ, thương mại xuyên biên giới, lũy kế đến hết tháng 4/2022, cơ quan thuế đã thu 735 tỷ đồng từ xử lý vi phạm, chống thất thu thuế; riêng 4 tháng năm 2022 là 176 tỷ đồng.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc phát hiện các trường hợp có hoạt động thương mại điện tử để truy thu thuế mới chỉ chủ yếu tập trung vào rà soát các cá nhân, tổ chức thực hiện các hoạt động quảng cáo, bán hàng trực tuyến qua các trang web và trên một số nền tảng mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube, Zalo…

Trong khi đó, cơ quan thuế chưa thực hiện việc rà soát, kiểm soát đối với các hình thức hoạt động thương mại điện tử khác như quảng cáo và bán hàng qua các thiết bị cầm tay quảng cáo rao vặt, giao dịch qua hệ thống hai đầu P2P (giữa khách hàng với khách hàng), các phần mềm nói chuyện qua mạng như Zalo, Skype… các hình thức tham gia giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, những người tham gia hoạt động thương mại điện tử có thể ở trong nước, hoặc nước ngoài, không có địa chỉ nên rất khó khăn để truy thu, hiện Bộ Tài chính vẫn đang nghiên cứu việc này.

Bộ trưởng cho biết thêm, hiện các tập đoàn công nghệ như Youtube, Google, Microsoft... đã đăng ký nộp thuế đầy đủ. Đối với các mặt hàng bán lẻ qua Zalo, Facebook, thanh toán nhận hàng trả bằng tiền mặt... đang là một khoản thất thu rất lớn.

Theo Tổng cục Thuế, hiện nay, cơ quan thuế đang quản lý hai nhóm đối tượng chính có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đó là hoạt động kinh doanh thương mại điện tử mua bán hàng hóa, dịch vụ trong nước và thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 100 sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, 139 đơn vị sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử; trong đó 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ, 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch. Số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn thương mại điện tử khoảng 3,5 triệu lượt/ngày.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực, thương mại điện tử xuyên biên giới càng phát triển mạnh. Là thành phố lớn nhất cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có hơn 20.480 website thương mại điện tử bán hàng, 572 website cung cấp trang thương mại điện tử. Thành phố cũng có 35,7% số doanh nghiệp đã xây dựng website độc lập với các tính năng đa dạng, cho phép người tiêu dùng đặt hàng và thanh toán trực tuyến. 

Tại Hà Nội, theo dữ liệu tại Cục Thuế Hà Nội, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số chiếm khoảng 6% tổng thu và 10% thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2021.

Tính đến tháng 6/2021, chỉ tính riêng mạng xã hội Facebook, Việt Nam đã có gần 76 triệu người dùng. Từ năm 2019 đến tháng 6/2021, hoạt động mua bán trực tuyến trên nền tảng này tăng vọt. Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn sử dụng các sàn thương mại điện tử nước ngoài để mua sắm hàng hóa. Ở chiều ngược lại, các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài cũng thông qua các nền tảng kể trên để mua sản phẩm hàng hóa của tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2021 doanh thu thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Dự báo giai đoạn 2022-2025 thương mại điện tử Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là con số không nhỏ, nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên đáng kể nếu chính sách thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử được hoàn thiện phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020, phương thức kinh doanh đã thay đổi nhanh và mạnh từ truyền thống sang thương mại điện tử. Thói quen tiêu dùng của người dân cũng thay đổi với rất nhiều giao dịch, hàng hóa, dịch vụ được thực hiện thông qua hình thức thương mại điện tử, tiềm năng tăng thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này của Việt Nam còn rất lớn.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế cho rằng chính sách thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử được áp dụng nhằm đảm bảo sự công bằng trong nghĩa vụ thuế giữa kinh doanh các hàng hoá, dịch vụ trong lĩnh vực thương mại điện tử và lĩnh vực thương mại truyền thống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục