Thương chiến Mỹ-Trung - một trong những yếu tố bất ổn của năm 2020

05:30' - 04/01/2020
BNEWS Bài viết trên báo The Business Times nhận định tình hình thế giới năm 2020 vẫn còn nhiều diễn biến khó lường, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng USD. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Các nhà đầu tư cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình hình bất ổn trong năm 2020. Từ tình hình địa chính trị đến tình trạng biến đổi khí hậu và sự đột phá về công nghệ cho tới những biến động xã hội, không thiếu những thách thức tiềm tàng đang chờ đợi các công ty và các thị trường tài chính trong năm tới.

Đối với những công ty khởi nghiệp, phản ứng tích cực trước thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một có lẽ sẽ không kéo dài. Văn bản chi tiết của thỏa thuận - bao gồm những cam kết cụ thể của Trung Quốc đối với quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ tài chính, tiền tệ và ngoại hối - được cho là sẽ mất vài tuần để soạn thảo. Mỹ cũng để lại mức thuế 25% đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc với ý định sử dụng nó như một đòn bẩy trong giai đoạn đàm phán tiếp theo.

Bởi vậy, khả năng là những căng thẳng mới sẽ bùng phát khi các cuộc đàm phán tiếp theo diễn ra, cũng như xuất hiện rủi ro thị trường, vốn đang bị những thành quả mà thỏa thuận thương mại giai đoạn một mang lại làm lu mờ.

Điều quan trọng hơn là cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung là biểu hiện của một cuộc đối đầu địa chính trị lớn hơn giữa hai nước này, và là sự phản ánh thái độ không hài lòng của bộ phận cử tri thuộc tầng lớp trung lưu ở Mỹ, những người phải chịu đựng mức lương đình trệ và tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng trong nhiều thập kỷ khi các doanh nghiệp lớn chuyển sang tự động hóa và chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm gia tăng lợi nhuận của họ.

Những thực tế này sẽ không thay đổi ngay dù nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump không giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. 

Với những cơn gió chính trị đang đổi hướng, the Business Roundtable, một tổ chức đại diện cho các nhà lãnh đạo của một số công ty lớn nhất ở Mỹ, hồi tháng Tám đã đưa ra một tuyên bố khác thường rằng vai trò cơ bản của một công ty không còn chỉ phục vụ cho các cổ đông của họ.

Các công ty cũng cần phải phục vụ khách hàng, người lao động, nhà cung cấp và cộng đồng. Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 19/8/2019, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành (CEO) của JP Morgan Chase, ông Jamie Dimon, nói: "Những ông chủ lớn đang đầu tư vào người lao động và các cộng đồng bởi họ biết đó là cách duy nhất để đạt được thành công về lâu dài".

Đây là mô hình tăng trưởng kinh tế của các nước như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan. Những nước này đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều thập kỷ thông qua tích lũy vốn nhanh, được hỗ trợ bởi tỷ lệ tiết kiệm trong nước cao và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng.

Đây cũng là những bên tham gia có vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế, là các thị trường xuất khẩu phát triển. Những thành quả về năng suất đã được phân phát rộng khắp trong các nền kinh tế trong nước với nhiều công ăn việc làm hơn và thu nhập cao hơn. Điều này góp phần thúc đẩy giá tài sản của họ.

Dù ông Trump đang theo đuổi các chính sách thương mại theo chủ nghĩa trọng thương, hay một vị tổng thống thuộc đảng Dân chủ gây sức ép buộc các công ty của Mỹ phải quan tâm đến người lao động Mỹ, thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2020 dường như không thể chảy tự do như trước đây. Điều này có thể tác động đến tâm lý thị trường trong cả năm 2020.

Các chính phủ ở châu Á có thể đối phó bằng việc tạo dựng các thỏa thuận thương mại song phương mới. Họ cũng có thể thực hiện các chính sách tài chính mở rộng và tập trung đầu tư vào những lĩnh vực không phù hợp với doanh nghiệp tư nhân, như cơ sở hạ tầng và những sáng kiến đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, các nền kinh tế và thị trường châu Á có thể bước vào năm 2020 với không nhiều tín hiệu tích cực, nếu không nói là một năm đầy mong manh.

Nhìn xa hơn, rất nhiều yếu tố phụ thuộc vào cách thức các nước điều chỉnh chiến lược để đối phó với tác động của sự đột phá về công nghệ. Phần lớn xu hướng này có tác động tiêu cực đến khả năng tìm kiếm lợi nhuận, mức lương và việc tuyển dụng của các công ty.

Chắc chắn sẽ không thiếu các công ty có uy tín lâu năm trong các lĩnh vực như viễn thông, vận tải và truyền thông tự nhận thấy mình chưa đổi mới về công nghệ. Tuy nhiên, những bên tham gia trong một số lĩnh vực khác đã kịp đổi mới chính mình.

Chẳng hạn, ba ngân hàng Singapore đã đạt được tiến bộ trong việc sử dụng công nghệ để tăng hiệu suất, giảm chi phí và thúc đẩy quan hệ với các khách hàng. Giờ đây, các khách hàng có thể chuyển tiền cho nhau qua điện thoại một cách dễ dàng.

Chắc chắn còn nhiều tiềm năng trong việc tạo ra giá trị do công nghệ cho các ngân hàng trong năm 2020 và xa hơn nữa. Theo một nghiên cứu gần đây của công ty tư vấn Accenture, các ngân hàng ở Bắc Mỹ có thể hưởng lợi tới 70 tỷ USD từ tiết kiệm chi phí và hiệu suất đến năm 2025 bằng việc sử dụng công nghệ để tự động hóa tiến trình xử lý và cải thiện năng lực của nhân viên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục