“Thương hiệu” Canada trong “cuộc chơi” tại Đông Nam Á?

05:30' - 03/12/2018
BNEWS Trong tháng 11 này, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có chuyến công du dài tới châu Á để quảng cáo “thương hiệu Canada” và thuyết phục châu Á rằng Canada đem lại điều tốt lành cho châu lục này.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: AFP/TTXVN

Canada đang thăm dò khả năng đàm phán một hiệp định thương mại tự do với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Quy mô kinh tế của 10 nước ASEAN hợp lại lên đến 3.000 tỷ USD, gần gấp đôi của Canada.

ASEAN được đánh giá là một khu vực năng động, sở hữu lực lượng dân số trẻ và phát triển nhanh, với nền tảng tiêu dùng vững mạnh. ASEAN cũng là mái nhà của Indonesia - quốc gia đông dân thứ tư thế giới. Theo giới quan sát, trở ngại lớn hiện nay đối với Canada đó là nước này đã tham gia “cuộc chơi” quá muộn.

ASEAN hiện đang đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – một hiệp định được cho là do Trung Quốc “dẫn dắt” – cùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Các bên đang tiến gần tới việc hoàn tất thỏa thuận này, vốn được thiết kế nhằm cắt giảm các rào cản thuế quan và phi thuế quan giữa các nước thành viên. Đáng chú ý, RCEP không có sự hiện diện của Mỹ.

Giới quan sát nhận định đây là ý đồ chiến lược của Trung Quốc không muốn đối thủ Mỹ bám rễ sâu tại châu Á. RCEP hiện chỉ là cuộc chơi của khu vực châu Á. Tuy nhiên, với quy mô kinh tế gần 50.000 tỷ USD, các nước RCEP cũng chiếm tới 40% GDP của thế giới.

Canada không tham gia đàm phán RCEP. Trong khi đó, nhu cầu của châu Á đối với các mặt hàng xuất khẩu Canada như nông sản, thực phẩm và thiết bị vận tải, đã được các nước có lợi thế so sánh tương đương như Australia hay New Zealand, đáp ứng ở mức độ lớn.

Các nước này sẽ không muốn Canada có mối quan hệ gần gũi hơn với khu vực. Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng Canada sẽ cần tăng gấp đôi, hoặc thậm chí là gấp ba nỗ lực nhằm tranh thủ các nước Đông Nam Á.

Một mục đích không kém phần quan trọng trong chuyến công du châu Á vừa qua của Thủ tướng Trudeau là để đảm bảo với Trung Quốc rằng Canada vẫn muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, mặc dù mối quan hệ này nay đã trở nên “phức tạp” do Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản 2.0 của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Trong hiệp định USMCA có điều khoản quy định nếu một trong các đối tác tham gia một thỏa thuận thương mại tự do với một nước "phi thị trường" (ám chỉ Trung Quốc), các nước còn lại có thể rút khỏi thỏa thuận trong vòng 6 tháng sau đó và tự thiết lập một thỏa thuận thương mại tự do song phương.  Mỹ có thể “tận dụng” điều khoản này như một thứ vũ khí trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc.

Điều này có nghĩa là Canada cần “liều lĩnh” để đa dạng hóa các đối tác thương mại của mình. Khoảng 3/4 xuất khẩu của Canada có điểm đến là thị trường Mỹ, gần 10% sang châu Âu, và phần còn lại là tới các nền kinh tế đã phát triển khác. Tuy nhiên, sức tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia tiên tiến dù ổn định nhưng chậm, và không năng động như các nước đang phát triển, nơi sức mua không ngừng gia tăng.

Hiện chỉ 1/10 trao đổi thương mại của Canada được thực hiện với các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Mexico, Ấn Độ và Brazil. Và trên mặt trận này, Canada đang tụt hậu so với các nước “cùng hạng” như Australia. Khoảng 40% thương mại của Australia được thực hiện với nhóm các nền kinh tế mới nổi; 30% với Mỹ và Nhật Bản, và 20% với Đức.

Tại sao Canada thích trao đổi thương mại với các nước tiên tiến? Nhiều chuyên gia cho rằng vì các nước này có hệ thống luật pháp, thể chế dân chủ,... giống với Canada. Điều này khiến việc đàm phán hợp đồng, đặt nhà máy, thuê nhân công,... tại Mỹ sẽ dễ dàng hơn so với tại Trung Quốc, Ấn Độ, hay Indonesia.

Canada lại nằm sát cạnh nền kinh tế lớn nhất thế giới. Yếu tố địa lý gần gũi lại càng khiến cho việc giao thương với Mỹ trở nên quá đơn giản đối với các doanh nghiệp Canada. Và nhiều doanh nghiệp Canada đã phớt lờ một thực tế rằng trung tâm kinh tế thế giới nay đã dịch chuyển sang các nền kinh tế đang phát triển của châu Á. Và khi chủ nghĩa dân túy ngày một mạnh lên tại Mỹ, nhu cầu đa dạng hóa thương mại của Canada chưa bao giờ lại cấp bách như hiện nay.

Giới quan sát cho rằng các doanh nghiệp Canada cần mạo hiểm bước ra khỏi vùng an toàn, học cách hoạt động trong những môi trường kinh doanh không ổn định, với những rủi ro về cả kinh tế và chính trị. Và điều này sẽ không dễ dàng khi Chính phủ Canada đã tham gia cuộc chơi muộn.

Nhưng trong một thế giới cạnh tranh và toàn cầu hóa như hiện nay, nếu không nỗ lực sẽ khó có trái ngọt. Đó là nhận định của Lynette H. Ong, Phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Toronto./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục