Canada theo đuổi các chiến lược hướng đến châu Á-Thái Bình Dương

06:30' - 26/11/2018
BNEWS Một nền thương mại dựa trên quy tắc là một trong những chủ đề ưu tiên của Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần này.
Quốc kỳ Canada (trái) và Quốc kỳ Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế có mặt tại Papua New Guinea để tham dự Tuần lễ Cấp cao lần thứ 26 của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), nơi xung đột thương mại Mỹ-Trung là một trong những chủ đề “nóng”.

Trong năm vừa qua thế giới đã chứng kiến những thiệt hại đối với dây chuyền cung ứng, những rủi ro đối với hoạt động đầu tư và cả những sứt mẻ về niềm tin của người tiêu dùng, khi những gói thuế quan đánh vào lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD được tung ra.

Một nền thương mại dựa trên quy tắc là một trong những chủ đề ưu tiên của Thủ tướng Canada tại hội nghị APEC lần này. Ba cuộc gặp song phương của Thủ tướng Trudeau đều được lên lịch với các đối tác trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đó là Malaysia, Nhật Bản và Australia.

Thủ tướng Trudeau cho biết Canada theo đuổi các thỏa thuận thương mại cùng thắng, ngược với các nước khác đang có cách tiếp cận tiêu cực đối với thương mại. “Các nước khác” mà Thủ tướng Trudeau muốn đề cập ở đây, liệu có phải là nước Mỹ?

Theo giới quan sát, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump vắng mặt tại hội nghị cấp cao ASEAN, hội nghị cấp cao Đông Á ở Singapore, cũng như tại hội nghị APEC ở Papua New Guinea, nhưng các hội nghị này đều “cảm nhận” được sức ảnh hưởng của người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Một cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có thể tạo nên hiệu ứng domino, kích hoạt các biện pháp bảo hộ từ các nước khác. Một trật tự thế giới đang có nguy cơ vỡ thành từng khối đối lập.

Và các nước từ Nam Á đến Đông Á đều nhấn mạnh về thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư đa phương trong khu vực. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một phát biểu ngày 15/11 khẳng định hiện thế giới đang đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và điều quan trọng là cùng nhau ứng phó với tình tình phức tạp của thế giới để ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do.

Bình luận về sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ tại các hội nghị lớn của các nước châu Á lần này, ông Simon Tay, Chủ tịch Viện các vấn đề quốc tế của Singapore, cho rằng Tổng thống Trump đã “vô tình” đưa các nước châu Á xích lại gần nhau. Các nước châu Á đang nỗ lực thể hiện những gì có thể làm mà không phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.

Tổng thống Trump đã tham dự các hội nghị cấp cao của ASEAN và APEC năm 2017. Việc Tổng thống Mỹ quyết định đứng ngoài lề các hội nghị lớn của châu Á –Thái Bình Dương năm nay đang làm dấy lên câu hỏi về cam kết của Washington đối với một chiến lược khu vực để đối trọng với Trung Quốc. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu với báo giới tại Singapore rằng cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là “lâu dài và trước sau như một”.

Theo giới phân tích, việc Tổng thống Mỹ vắng mặt trong các hội nghị cấp cao lần này đang làm gia tăng quan ngại giữa các nước Đông Nam Á rằng Washington không còn hậu thuẫn cho nhóm nước này. Theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, sẽ là điều tuyệt vời đối với ASEAN khi không phải “về phe” nào trong các cường quốc của thế giới, nhưng có lẽ đã đến lúc phải lựa chọn.

Trong khi đó, phát biểu tại Đại học Quốc gia Singapore hôm 15/11, Thủ tướng Canada Trudeau khẳng định, không nghi ngờ gì về việc châu Á-Thái Bình Dương là một trong những địa điểm lớn mà Canada cần có mặt.

Là một quốc gia thương mại có thị trường nhỏ, Canada nỗ lực "tấn công" vào khu vực này, nơi việc phát triển cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh và lực lượng tiêu dùng trung lưu đang trỗi dậy. Chương trình nghị sự về thương mại của chính phủ Trudeau có hai “tiêu chí” là đa dạng hóa và thay đổi tiến bộ.

Trong một phát biểu ngày 14/11 tại Singapore, Thủ tướng Trudeau cho biết Canada mong muốn khởi động các cuộc thảo luận ngay vào mùa Xuân tới nhằm hướng tới một thỏa thuận thương mại tự do với ASEAN.

ASEAN, thị trường có gần 650 triệu dân, với quy mô kinh tế 2.800 tỷ USD, hiện là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Canada.

Thủ tướng Trudeau khẳng định Canada nhận thức rất rõ rằng trọng tâm kinh tế trên thế giới không nghi ngờ gì đang dịch chuyển về châu Á và cụ thể là hướng tới khu vực Đông Nam Á.

Tháng trước, Chính phủ Canada đã hoàn tất tham vấn công chúng về khả năng tiến hành đàm phán thương mại toàn diện với khối ASEAN. Các đối tượng liên quan đều phấn khởi về khả năng đạt được các điều khoản thương mại tốt hơn đối với một số mặt hàng và dịch vụ gắn kết tham vọng của Canada tại châu Á như xuất khẩu nông sản, thực phẩm và tài nguyên thiên nhiên. Và các nhà thầu xây dựng của Canada và dịch vụ công nghệ xanh dự kiến sẽ có thêm các khách hàng mới.

Trong chuyến công du tới Singapore và Papua New Guinea lần này, Thủ tướng Trudeau đã nỗ lực cho các nước châu Á-Thái Bình thấy hình ảnh một Canada ổn định về kinh tế, xã hội và chính trị, nơi những tài năng về công nghệ được đón chào./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục