Thương mại điện tử của Italy tăng mạnh nhờ ứng dụng AI

15:19' - 16/04/2025
BNEWS Doanh số bán hàng trực tuyến năm 2024 tại Italy đạt tổng cộng 85,4 tỷ euro (97,2 tỷ USD), tăng 6% so với năm 2023 nhờ việc triển khai AI.

Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn báo cáo thường niên lần thứ 19 về thương mại điện tử tại Italy của công ty tư vấn kỹ thuật Casaleggio Associati cho thấy, phần lớn doanh thu là từ các công ty du lịch và lữ hành.

Theo nghiên cứu mới nhất của Casaleggio Associati, trong năm 2024, lĩnh vực du lịch và lữ hành tại Italy đã tạo ra giá trị trực tuyến ước tính hơn 21,8 tỷ euro, tiếp theo là các trang bán hàng trực tuyến, thu về 14,8 tỷ euro. Giải trí đứng thứ ba, với doanh thu 13,4 tỷ euro, tiếp theo là các ngành thời trang, sòng bạc và thực phẩm.

Theo các nhà nghiên cứu, những người bán hàng trực tuyến tại Italy đang ngày càng tích cực sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Họ đã triển khai các công cụ này để dịch thuật, tạo nội dung sản phẩm tự động, phân tích và dự báo dữ liệu, và cá nhân hóa. 

Ông Davide Casaleggio, Chủ tịch của Casaleggio Associati giải thích năm 2024 là năm các công ty thực sự bắt đầu hiểu cách sử dụng AI trong các quy trình nội bộ của họ, khám phá một cuộc cách mạng thực sự. Thách thức cho năm 2025 sẽ là tạo ra giá trị mới thông qua các công nghệ này, vượt ra ngoài hiệu quả hoạt động.

 

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc triển khai AI đã giúp các cửa hàng trực tuyến của Italy tăng doanh số bán hàng xuyên biên giới. Ít nhất 14% số cửa hàng được đưa vào phân tích đã bán các mặt hàng cho khách hàng ở Pháp và Đức. Trong khi đó, các cửa hàng trực tuyến của Italy cũng đã tiếp cận các khách hàng Tây Ban Nha (12%), Hà Lan (9%), Vương quốc Anh, Thụy Sĩ và Mỹ (đều 8%).

Cùng ngày, tập đoàn bán lẻ Confcommercio của Italy cho biết sức mua của Italy thấp hơn 26,5% so với Đức. Cụ thể là khi tính đến chi phí sinh hoạt, sức mua của mức lương tại Italy vẫn thấp hơn 26,5% so với mức lương của Đức và thấp hơn 12,2% so với mức lương của Pháp. Các khoản đóng góp xã hội tại Italy cũng cao hơn so với ở Đức và Pháp (lần lượt là 16,5% và 11%).

Theo Confcommercio, khoảng cách giữa Italy và các nước châu Âu khác, đặc biệt là Đức, phần lớn là do sự khác biệt về năng suất lao động. Sản lượng trên mỗi nhân viên tại Italy đã trì trệ trong 30 năm qua.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục