Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tìm thị trường xuất khẩu hiệu quả

15:35' - 26/10/2018
BNEWS Thương mại điện tử đang có những bước phát triển nhanh và dự báo xu hướng này tiếp tục duy trì trong thời gian tới với mức tăng trưởng khoảng 20%/năm.

Thương mại điện tử xuyên biên giới với sự thúc đẩy của internet đã tạo cho doanh nghiệp kênh tìm kiếm thông tin thị trường hiệu quả, nhất là các thị trường xuất khẩu; trong đó, thương mại điện tử với những công cụ giúp doanh nghiệp đàm phán, giao kết hợp đồng ngày càng được ứng dụng phổ biến.

Đây là thông tin cho biết tại hội thảo “Thương mại điện tử và nâng cao năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 26/10.

Thống kê cho thấy, trong những năm gần đây, thương mại điện tử đang có những bước phát triển nhanh và dự báo xu hướng này tiếp tục duy trì trong thời gian tới với mức tăng trưởng khoảng 20%/năm. Bên cạnh đó, hiện nay có 32% doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã thiết lập quan hệ nước ngoài qua kênh thương mại điện tử, 11% tham gia các sàn thương mại điện tử…

Bà Hồ Thị Tố Uyên, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Việt Nam là một trong số những quốc gia có hoạt động mua sắm trực tuyến chiếm tỷ lệ cao nhất với 55% và cao hơn trung bình của khu vực châu Á.

Tuy nhiên, có sự chênh lệch giữa xuất – nhập hàng hóa đối với khách hàng cá nhân; trong đó, khách hàng Việt Nam mua hàng nước ngoài nhiều hơn, so với khách hàng nước ngoài mua hàng hóa của Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, bà Hồ Thị Tố Uyên cho rằng, các sản phẩm, dịch vụ hay thương hiệu nước ngoài có lợi thế đa dạng mẫu mã, chuẩn loại, chất lượng cao… nên phù hợp thị hiếu tiêu dùng.

Trong khi các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà bán hàng Việt chưa thực sự đầu tư vào sản phẩm, dịch vụ… đáp ứng thị trường nước ngoài để hạn chế tình trạng phải bán hàng qua khâu trung gian.

Mặt khác, hàng hóa nước ngoài được kinh doanh phổ biến trên các kênh bán hàng trực tuyến toàn cầu như Amazon, Alibaba… còn hàng hóa Việt chưa chen chân được vào mạng lưới phân phối này, mà được cung cấp bởi những nhà bán hàng Việt nam chưa xây dựng được thương hiệu mạnh và uy tín đối với người tiêu dùng trên thế giới. Riêng các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng chưa phối hợp chặt chẽ với các kênh kinh doanh trực tuyến để có giá thành đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài.

Dẫn chứng cụ thể, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, ngành thuỷ sản chủ yếu bán hàng và xuất khẩu theo hình thức B2B, còn hầu hết các hội viên của Vasep đều có trang website chỉ phục vụ cho việc liên hệ, giới thiệu sản phẩm… Với các hội viên kết nối thông qua thư điện tử thì đang dần chuyển sang sử dụng trang mạng có phòng thảo luận, chốt đơn hàng trên những công cụ này hoặc gặp trực tiếp.

Tương tự, một số chuyên gia cho rằng, bức tranh hạ tầng pháp lý của thương mại điện tử tại Việt Nam đã tương đối đầy đủ và có điều chỉnh tất cả lĩnh vực quan trọng như giao dịch điện tử, bảo vệ người tiêu dùng trên mạng, bảo vệ thông tin cá nhân người dùng, luật an ninh mạng…

Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ngành cũng xây dựng văn bản Luật kèm theo các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, để sử dụng thương mại điện tử hỗ trợ hoạt động xuất khẩu cho doanh nghiệp, đòi hỏi sự phối hợp của cơ quan quản lý ở nhiều lĩnh vực như hải quan, thuế, ngân hàng…

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử Việt Nam nhấn mạnh, lĩnh vực thương mại điện tử ở nhiều quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng với con số ấn tượng từ 25% - 27%, đồng thời hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu rất hiệu quả.

Còn tại Việt Nam muốn đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu cần nâng cao năng lực và kỹ năng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử.

Đặc biệt, là hạn chế tình trạng nhiều doanh nghiệp chỉ có một người phụ trách quản lý hoạt động của doanh nghiệp trên sàn thương mại điện tử, kỹ năng đưa hình ảnh làm marketing…

Theo ông Đặng Hoàng Hải, hàng hóa Việt Nam có năng lực cạnh tranh không thấp ở một số ngành hàng và nhiều sản phẩm được yêu thích trên thế giới như nông sản, hải sản, thủ công mỹ nghệ… Với những lợi thế này, nếu tận dụng thương mại điện từ thì có thể thúc đẩy hoạt động xuất khẩu rất cao.

Mặc dù vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt cơ hội xuất khẩu thông qua kênh thương mại điện tử. Đặc biệt, là học hỏi những trường hợp thành công của doanh nghiệp Việt Nam đã thành công khi xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử toàn cầu như Amazon, Alibaba…/.

>>> Sẽ công khai các website bán hàng giả

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục