Thưởng thức cà phê - thú vui ngày càng đắt đỏ ở Mỹ Latinh

07:39' - 27/04/2022
BNEWS Các tín đồ cà phê ở Mỹ Latinh ngày càng phải chi nhiều hơn cho mỗi ly đồ uống bởi nguyên nhân lạm phát cao, thời tiết khắc nghiệt, những thách thức logistics và cuộc khủng hoảng phân bón.

Các tín đồ cà phê ở Mỹ Latinh ngày càng phải chi nhiều hơn cho mỗi ly đồ uống, nguyên nhân là do “cơn bão hoàn hảo” bao gồm lạm phát cao do kinh tế phục hồi sau đại dịch, thời tiết khắc nghiệt, những thách thức logistics do COVID-19 gây ra và cuộc khủng hoảng phân bón do căng thẳng tại Ukraine.

Những yếu tố này không chỉ đe dọa nguồn cung cà phê toàn cầu mà còn kích hoạt báo động trên thị trường tài chính từ năm 2021, khi giá cà phê hạt chạm đỉnh trong một thập kỷ, với mức tăng gần 80%.

 

Từ năm ngoái, Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, đã hứng chịu “cơn thịnh nộ” của thời tiết: đầu tiên là đợt hạn hán kéo dài, và vài tháng sau là đợt băng giá tồi tệ đất nước này phải trải qua kể từ năm 1994.

Với 70% sản lượng cà phê được dành cho xuất khẩu trong thập kỉ qua, Brazil có ảnh hưởng quyết định đến giá cà phê trên toàn cầu. Do đó, khi nguồn cung ở Brazil bị ảnh hưởng, cộng thêm các vấn đề logistics do đại dịch gây ra, giá cà phê trung bình đã tăng vọt 74,5%, từ 131 USD/bao trong quý I/2021 lên 228 USD/bao trong 3 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Hội đồng Xuất khẩu Cà phê (Cecafé).

Giá cà phê hạt tăng giúp giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Brazil tăng 60,8% trong quý I/2022, lên mức 2,42 tỷ USD. Đây là kim ngạch kỉ lục trong vòng 5 năm trở lại đây, bất chấp lượng cà phê xuất khẩu giảm 7,8%.

Tuy nhiên, người tiêu dùng Brazil, vốn đứng thứ 2 thế giới về tiêu thụ cà phê, lại chịu thiệt khi giá thức uống khoái khẩu này đã tăng hơn 60% trong 12 tháng qua.

Cũng nằm trong top các quốc gia xuất khẩu cà phê, Colombia đang trải qua tình hình tương tự. Chỉ trong vòng 1 năm, giá của sản phẩm thiết yếu này trong giỏ hàng gia đình đã tăng gần 30%.

Theo Cục Thống kê Hành chính Quốc gia (DANE), từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022, lạm phát đối với cà phê hạt và các sản phẩm liên quan đã ở mức 29,36%, nằm trong nhóm các loại lương thực tăng giá mạnh nhất.

Liên đoàn người trồng cà phê quốc gia Colombia cho biết điều kiện thời tiết bất lợi kéo dài đã ảnh hưởng đến sản lượng cà phê, vốn đã giảm 16% vào tháng Hai vừa qua. Cần lưu ý rằng Colombia là nước sản xuất cà phê Arabica nhẹ lớn nhất thế giới, và nghề trồng cà phê là kế sinh nhai khoảng 540.000 hộ nông dân ở quốc gia này.

Mặc dù giá phân bón tăng cao, người trồng cà phê Colombia vẫn được hưởng lợi nhờ giá bán thành phẩm đủ bù đắp cho chi phí sản xuất.

Đi ngược lại xu hướng trên, tại Peru , nước sản xuất cà phê lớn thứ 10 thế giới, giá cà phê dự báo vẫn duy trì ít nhất đến giữa năm nay, dao động trong khoảng 10,8 USD/kg đến 21,6 USD/kg.

Giám đốc Hội đồng Cà phê Quốc gia (JNC) Lorenzo Castillo lý giải điều này là vì cho đến tháng Sáu năm nay, các nhà sản xuất sẽ tiếp tục bán cà phê từ vụ mùa vừa qua, khi giá phân bón chưa quá cao và nguồn cung chưa khan hiếm.

Ông Castillo hi vọng nguồn cung phân bón sẽ được cải thiện từ tháng Sáu tới, nếu không Peru có thể đối mặt kịch bản thiếu hụt sản lượng và tăng chi phí.

Ước tính sản lượng cà phê của Peru có thể giảm từ 266.000 tấn năm 2021 xuống 240.000 tấn vào năm 2023. Tuy nhiên Peru sẽ phải giữ giá cà phê để có thể cạnh tranh trong bối cảnh các nước khác, trong đó có Brazil, dự kiến sản xuất dư thừa.

Tại Mexico, trong tháng 3/2022 giá cà phê rang đã tăng 15,94% so với cùng kì, trong bối cảnh lạm phát chung đã vượt 7%, mức cao nhất trong 2 thập kỉ qua.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sader) ước tính sản lượng cà phê sẽ tăng 5% trong năm nay, lên 994.400 tấn, trong khi giá trị sẽ tăng 1,4%, lên gần 260 triệu USD. Theo Tổ chức Cà phê Thế giới, Mexico là nước xuất khẩu lớn thứ 12 toàn cầu.

Trong khi đó, từ tháng 10/2021 đến nay Honduras xuất khẩu hơn 3,6 triệu bao cà phê (mỗi bao tương đương 46 kg), giảm 3,8% so với chu kì 2020-2021.

Tuy nhiên, doanh thu từ xuất khẩu trong vụ mùa hiện tại đạt 847,9 triệu USD, tăng 55,5%, nhờ giá cà phê trung bình đã tăng 61,7%, từ 145,1 USD/bao lên 234,65 USD/bao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục