Thương vụ Việt Nam tại Pháp: Các nhà sản xuất cần tham chiếu quy định nước nhập khẩu trước khi xuất hàng

08:10' - 09/12/2021
BNEWS Trưởng Thương vụ Việt Nam cho biết Pháp có những yêu cầu rất khắt khe liên quan tới việc đảm bảo chất lượng hàng hóa luân chuyển trên thị trường.

Đầu tháng này, trang Rappel Conso đã thông báo thu hồi một số lô hàng của 10 sản phẩm ăn liền có xuất xứ Việt Nam tại thị trường Pháp.

Danh sách các loại thực phẩm được khuyến cáo đều của Acecook Việt Nam bao gồm: Hủ tiếu ăn liền 70 g Oh Ricey, mỳ ăn liền Đệ Nhất, Phở gà 70g Oh Ricey, mỳ Lẩu Thái, mỳ Hảo Hảo, Bún xào 77g Oh Ricey, Phở 56g ACECOOK, mì Hello Cup-Wok vị gà, vị hành và vị bò 76 gr.

Các sản phẩm này được cảnh báo có chứa hàm lượng ethylend oxide vượt ngưỡng cho phép và phải rút khỏi hệ thống phân phối và thu hồi từ người tiêu dùng.

Cụ thể theo Rappel Conso, có "nồng độ 2-chloroethanol cao hơn quy định ở một trong các thành phần của sản phẩm", tức là "vượt quá giới hạn cho phép của thuốc bảo vệ thực vật".

Thủ tục thông báo lên cơ quan chức năng và thu hồi sản phẩm do nhà cung cấp phối hợp với nhà nhập khẩu triển khai theo hình thức thông báo tự nguyện.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Vũ Anh Sơn, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Pháp, cho biết trên cơ sở buổi làm việc với nhà nhập khẩu, phân phối sản phẩm của Công ty Acecook tại Pháp, Thương vụ đã có báo cáo gửi Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương.

Trên thực tế, Công ty Acecook là đơn vị chủ động thông báo cho nhà nhập khẩu, đề nghị phối hợp thực hiện các thủ tục báo cáo cơ quan thẩm quyền và tiến hành thu hồi một số lô hàng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn cho phép ở nước sở tại. Trên cơ sở báo cáo này của nhà nhập khẩu, cơ quan có thẩm quyền của Pháp đã ra thông báo thu hồi sản phẩm tại thị trường này.

Trong vụ việc này, nhà nhập khẩu và phân phối có trụ sở tại Pháp đã ghi nhận sự chủ động của nhà sản xuất Acecook Việt Nam và cho biết vẫn tiếp tục phối hợp với nhà sản xuất để đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm đúng quy định về an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ông Vũ Anh Sơn cũng cho biết Pháp có những yêu cầu rất khắt khe liên quan tới việc đảm bảo chất lượng hàng hóa luân chuyển trên thị trường. Ngoài ra, các quy định, đặc biệt liên quan tới bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, được Liên minh châu Âu (EU) cập nhật và thay đổi thường xuyên nhằm hướng tới tiêu chuẩn ngày càng cao. Do đó, các nhà sản xuất và các nhà phân phối hàng hóa tại Pháp thường xuyên tự rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa do mình cung cấp, nhập khẩu và phân phối tại thị trường.

Theo ghi nhận của Phóng viên TTXVN tại Pháp, thống kê từ trang thông tin của chính phủ cho thấy khoảng 90% trong số các cảnh báo thu hồi là do các nhà phân phối tự kiểm tra, phát hiện và chủ động thông báo lên cơ quan chức năng để cảnh báo người tiêu dùng và tiến hành các thủ tục rút khỏi thị trường, thu hồi theo quy định.

Do đó việc chủ động rà soát và thông báo lên cơ quan chức năng kế hoạch thu hồi sản phẩm của công ty Acecook phối hợp triển khai với nhà nhập khẩu là một hoạt động thường xuyên của các nhà phân phối tại Pháp nhằm tuân thủ các quy định chặt chẽ nêu trên.

*Pháp kiểm soát nghiêm ngặt an toàn thực phẩm

Theo quy định của Pháp, nhà sản xuất và nhà phân phối có trách nhiệm đảm bảo chất lượng những sản phẩm được bán trên thị trường, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Để làm được việc này, các nhà sản xuất và nhà phân phối phải có trách nhiệm thường xuyên tự rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng các sản phẩm của mình khi đưa vào tiêu thụ tại thị trường Pháp.

Nhà phân phối có trách nhiệm kiểm tra tính an toàn của sản phẩm được đưa ra thị trường cũng như thông tin liên quan đến rủi ro của sản phẩm này bằng cách lưu giữ và cung cấp các tài liệu cần thiết để truy xuất nguồn gốc.

Khi phát hiện sản phẩm phân phối của mình không đáp ứng được quy định của Pháp và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhà phân phối có trách nhiệm kịp thời báo cáo cơ quan chức năng của Pháp và phối hợp tổ chức thủ tục thu hồi hoặc tiêu hủy các sản phẩm này

. Nếu nhà sản xuất và nhà phân phối không tuân thủ theo các nghĩa vụ, tùy vào mức độ khác nhau,có thể bị áp các mức xử phạt khác nhau. Mức phạt có thể lên đến 7 năm tù và 750.000 euro.

Để đảm bảo cơ chế giám sát an toàn thực phẩm tại Pháp hoạt động tốt, bên cạnh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng,  ngày 1/4/2020, liên Bộ Kinh tế, Bộ Chuyển đổi sinh thái, Bộ Nông nghiệp đã khai trương trang web Rappel Conso (https://rappel.conso.gouv.fr/).

Đây là điểm truy cập duy nhất tập trung các thông báo thu hồi sản phẩm có nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng. Các đăng tải bắt buộc phải có các thông tin chi tiết như : hình ảnh sản phẩm, nhãn hiệu, số lô, những đơn vị phân phối, các vùng, khu vực có liên quan, các nguy cơ có thể gặp phải đối với người tiêu dùng và các thủ tục xử lý trong trường hợp cá nhân đang sở hữu hàng hóa đó.

Trước đó, Chính phủ Pháp cũng đã cho ra đời công cụ giúp cho người tiêu dùng phổ thông có thể thông báo về các vấn đề gặp phải có liên quan đến tiêu dùng và sử dụng các dịch vụ thông thường trên địa chỉ : https://signal.conso.gouv.fr/.

Trên cơ sở này, Thương vụ Việt Nam tại Pháp khuyến cáo các doanh nghiệp hiện đang cung cấp hàng hóa tại Pháp nói riêng và EU nói chung cần thường xuyên trao đổi với các đối tác nhập khẩu để tham chiếu và tuân thủ các quy định mới nhất, kịp thời đáp ứng các yêu cầu chất lượng hàng hóa của nước sở tại tránh rủi ro phải thu hồi lại sản phẩm khi đã bán ra thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục