Thụy Điển, Na Uy và Thụy Sỹ đứng đầu thế giới về chuyển đổi năng lượng

19:18' - 15/03/2018
BNEWS Theo báo cáo về chuyển đổi năng lượng hiệu quả do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố ngày 14/3, Thụy Điển, Na Uy và Thụy Sỹ là ba quốc gia hàng đầu thế giới về chuyển đổi năng lượng.

Xếp liền sau ba quốc gia đứng đầu về chỉ số chuyển đổi năng lượng này là Phần Lan và Đan Mạch. Danh sách 10 quốc gia đứng đầu về chỉ số chuyển đổi năng lượng bao gồm toàn bộ các nước châu Âu.

Các tác giả của báo cáo đã nghiên cứu các chỉ số của 114 quốc gia và phân loại chúng trên cơ sở hai yếu tố chính: tình trạng hiện tại của hệ thống năng lượng quốc gia và mức độ chuẩn bị về mặt cấu trúc để thích ứng với nhu cầu năng lượng trong tương lai.

Dù tỷ lệ khí carbon, chỉ số phản lượng phát thải khí nhà kính và GDP vẫn trì trệ, thấp hơn chỉ tiêu do Hiệp định Paris về khí hậu từng xác định, song báo cáo cũng nhấn mạnh những bước phát triển đáng khích lệ. Trong số đó, 80% các nước đã ghi nhận sự cải thiện hệ thống năng lượng.

Trong so sánh ở tầm quốc tế, Thụy Sỹ đứng ở vị trí thứ 3, chỉ sau Thụy Điển và Na Uy. Các quốc gia kém hiệu quả hơn là Vương quốc Anh (7), Pháp (9), Đức (16), Mỹ (25), Brazil/Bra-xin (38), Nga (70), Trung Quốc (76) và Ấn Độ (78).

Theo báo cáo của WEF, hệ thống năng lượng của Thụy Sỹ được đánh giá tốt hàng đầu thế giới. Tuy vậy, với các mục tiêu giảm phát thải, quốc gia này thực hiện kém hơn.

Trong số những lý do khiến thứ hạng của Thụy Sỹ đạt được mức cao, nghiên cứu của WEF đánh giá tốt chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông, tính khả dụng của công nghệ, trợ cấp năng lượng, đầu tư vào hiệu quả năng lượng và chất lượng hệ thống giáo dục của Thụy Sỹ.

Các tác giả nghiên cứu cũng cho biết: "Liên minh châu Âu, Na Uy và Thụy Sỹ cho thấy một khu vực có thể cải thiện hệ thống năng lượng của mình như thế nào thông qua việc sử dụng các công nghệ mới và hợp tác.

Năm 2017 người dân Thụy Sỹ đã ủng hộ Chiến lược Năng lượng 2050, với việc dự kiến giảm tiêu thụ và thúc đẩy năng lượng sạch như năng lượng Mặt Trời, gió và sinh khối.

Tuy nhiên, Thụy Sỹ không được đánh giá cao ở tiêu chí “hành vi, thái độ” trên trường quốc tế. Đặc biệt, nước này ở nhóm cuối (xếp thứ 99) liên quan đến các cam kết giảm phát thải.

Mặc dù Thụy Sỹ là quốc gia đầu tiên công bố mục tiêu trong khuôn khổ Hiệp định Paris, giảm 50% phát thải từ nay đến năm 2030 (so với các mức của năm 1990) và 70-85% đến năm 2050, một cam kết được Nhóm quan sát độc lập Climate Action Tracker coi là "không đầy đủ".

Theo Climate Action Tracker, các mục tiêu khí hậu mà Bern đề ra là không phù hợp với mục tiêu hạn chế hiện tượng ấm lên toàn cầu đến tối đa là 2° C, được xác định trong năm 2015 tại Paris.

>>>Năng lượng gió và Mặt trời có thể đáp ứng 80% nhu cầu điện của Mỹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục