Thủy điện với mùa mưa bão – Bài 1: Đã lên phương án ứng phó

09:19' - 18/08/2018
BNEWS Từ nay đến cuối năm, ứng phó với mưa lũ, các công ty thủy điện đều đã xây dựng các phương án phòng, chống, ứng phó kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ nay đến cuối năm, ngoài các cơn bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, gió mạnh khi ảnh hưởng đến đất liền, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm sẽ còn nhiều khả năng xảy ra trên phạm vi toàn quốc.

Đây cũng là thời điểm vấn đề an toàn hồ đập hay việc xả lũ tại các công trình thuỷ điện được dư luận quan tâm.

Bài 1: Đã lên phương án ứng phó

Chuẩn bị phá đê quây của dự án Đa Nhim mở rộng. Ảnh: TTXVN

Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi (ĐHĐ) hiện đang quản lý vận hành 4 nhà máy thủy điện với 13 tổ máy có tổng công suất 642,5 MW, lớn thứ 4 cả nước về thủy điện chỉ sau Thủy điện Sơn La, Hòa Bình và Ialy. Hàng năm các nhà máy trong Công ty hòa lưới điện quốc gia bình quân trên 2,6 tỷ kWh điện.

Phó Tổng giám đốc Công ty Đỗ Minh Lộc cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình thủy văn trên lưu vực hai hồ Đơn Dương và Hàm Thuận tương đối thuận lợi, không có lũ xuất hiện. Cụ thể, lưu lượng nước về hồ Đơn Dương và Hàm Thuận tương đương so với trung bình nhiều năm.

Thực hiện theo Giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, Công ty đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng tiến hành xả nước qua đập tràn Đơn Dương vào các ngày cuối tháng 4 với lưu lượng xả 14m3/s, và đầu tháng 5 với lưu lượng xả 11m3/s.

Thời gian xả mỗi đợt là 12 giờ liên tục đảm bảo tốt nhu cầu sử dụng nước của vùng hạ du đập Đơn Dương trong mùa khô 2018.

Từ nay đến cuối năm, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mùa mưa sẽ đến sớm hơn; trong đó khu vực hồ Hàm Thuận đã bước vào mùa mưa được hơn 1 tháng. Còn khu vực hồ Đơn Dương bắt đầu bước vào mùa mưa. Hồ Đơn Dương đang ở mực nước 1.020m so với mực nước chết là 1.018m, dung tích hữu ích còn trong hồ là 7 triệu m3 nước.

Đập Thủy điện Pleikrông khi chưa xả nước. Ảnh: TTXVN

Trong những ngày giữa tháng 8 này, Công ty sẽ tiếp tục hạ mực nước hồ để chuẩn bị phá đê quây cho dự án Đa Nhim mở rộng và chuẩn bị tích nước đến mực nước dâng bình thường cho mùa khô năm 2019 vào dịp cuối năm. Ông Lộc thông tin.

Để chủ động phòng chống thiên tai năm nay, ĐHĐ đã trang bị các hệ thống thu thập lượng mưa trên 2 lưu vực hồ Đơn Dương (8 trạm) và hồ Hàm Thuận (6 trạm). Công ty cũng đã trang bị phần mềm dự báo lũ hồ Đơn Dương trên cơ sở dữ liệu mưa thu thập trên lưu vực hồ.

Ngoài việc thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo khí tượng thủy văn trong khu vực, đặc biệt là hệ thống dự báo mưa trên lưu vực hồ chứa, nhằm chủ động điều tiết, vận hành xả lũ, ĐHĐ đã tu bổ định kỳ hệ thống đo mưa trên lưu vực, các trạm cảnh báo lũ hạ du hai hồ chứa để duy trì sự làm việc ổn định, tin cậy trong mùa mưa.

Kiểm tra tình trạng hoạt động đối với hệ thống thu thập dữ liệu thủy văn trên hai lưu vực, các trạm cảnh báo lũ hạ du hồ Đơn Dương và Hàm Thuận; Trạm cảnh báo lũ ở hạ du các đập Đơn Dương và thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Đồng thời lắp đặt thêm hệ thống camera cung cấp hình ảnh trực tuyến phục vụ giám sát, theo dõi an toàn đập và hạ du cho khu vực đập tràn Hàm Thuận, Đơn Dương.

Trước đó, định kỳ mỗi quý một lần, Công ty đã tổ chức kiểm tra vùng lòng hồ Đơn Dương, Hàm Thuận và Đa Mi; kiểm tra tình trạng các hạng mục công trình thủy công và công trình kiến trúc, tiến hành sửa chữa lớn để đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão. Đồng thời kiểm tra vật tư, thiết bị, phương tiện, hậu cần và nhu yếu phẩm phục vụ công tác PCTT & TKCN tại khu vực các nhà máy và hồ chứa.

Công ty Thủy điện Buôn Kuốp quản lý vận hành các hồ chứa thuỷ điện Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpôk 3 với tổng công suất 586MW và tổng điện lượng trung bình hàng năm vào khoảng 2,66 tỷ kWh.

Mục tiêu Phương án PCTT & TKCN năm 2018 của Công ty là chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời đảm bảo an toàn đập, hồ chứa, công trình thủy điện, an toàn hạ du, góp phần cắt giảm lũ.

Do đó, đến nay, Công ty đã cơ bản hoàn thành báo cáo hiện trạng an toàn đập đến các cơ quan chức năng; rà soát và hiệu chỉnh, trình cấp thẩm quyền phê duyệt các phương án: Phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập; Phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập do xả lũ các hồ chứa.

Từ khi các hồ chứa được đưa vào vận hành năm 2009, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã thiết lập các trạm cảnh báo từ xa qua sóng đi động, tập trung vào các khu đông dân cư, bến đò, bãi tắm giặt để thông báo đến chính quyền và nhân dân trong vùng về tình hình chạy máy và điều tiết nước về hạ du trong mùa cạn cũng như trong mùa lũ.

Đến nay, Công ty đã thiết lập được 19 trạm cảnh báo dọc bờ sông vùng hạ du các hồ chứa Buôn Tua Srah và Buôn Kuốp.

Ngoài việc hợp đồng với đơn vị chuyên ngành và có năng lực cung cấp các bản tin dự báo mưa và số liệu thủy văn phục vụ điều tiết các hồ chứa, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp còn tự thiết kế xây dựng trạm đo nước tại Giang Sơn trên nhánh sông Krông Ana, các trạm đo mưa tại huyện Krông Bông đầu nguồn sông Krông Ana và tại đập tràn của 3 hồ chứa Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpôk 3 phục vụ cho việc tính toán, dự báo sớm lưu lượng về các hồ chứa khi điều tiết nước, xả lũ.

Bên cạnh đó, Công ty đã thiết lập đầy đủ hệ thống mốc, tiêu cảnh báo lũ ở các vùng ngập theo các tần suất quy định. Song song với đó, thiết lập website http://buonkuop.vn/pclb để chủ động cung cấp thông tin quan trắc và vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng và nhân dân trong vùng thuận tiện theo dõi.

Công ty Thủy điện Ialy quản lý vận hành 3 Nhà máy thủy điện: Ialy, Sê San 3 và Pleikrông trên dòng sông Sê San thuộc địa phận của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum với tổng công suất 1.080MW.

Trong gian máy Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah. Ảnh: TTXVN

Công ty điều tiết vận hành hồ chứa các nhà máy thủy điện theo các quy trình vận hành hồ chứa đã được Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt, như: Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San; Quy trình vận hành hồ chứa Thủy điện Ialy; Quy trình vận hành hồ chứa Thủy điện Pleikrông và Quy trình vận hành hồ chứa Thủy điện Sê San 3.

Theo Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy Đinh Viết Thiện, Công ty hiện đã xây dựng, lắp đặt đưa vào sử dụng 76 mốc cảnh báo mức nước hạ du khi các hồ chứa xả lũ; lắp đặt còi báo xả lũ tại các đập; xây dựng biển báo “Hiệu lệnh xả lũ” tại các khu dân cư lân cận công trình; đưa vào hoạt động hệ thống cảnh báo bằng loa phát thanh cho vùng hạ du đập Thủy điện Pleikrông.

Công ty cũng lắp đặt hệ thống camera giám sát tại thượng lưu, hạ lưu các hồ chứa, đồng thời truyền hình ảnh về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai Trung ương.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang quản lý vận hành 39 đập thủy điện. Các đập thủy điện thuộc EVN đã thực hiện kiểm định và các cơ quan tư vấn đánh giá an toàn, các Công ty thủy điện đều thực hiện quan trắc, bảo dưỡng công trình theo thiết kế đề ra. Đồng thời hàng năm, các đơn vị đã xây dựng phương án Phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập trình Bộ Công Thương phê duyệt.

Hiện EVN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trang bị bổ sung máy phát điện diezen di động, vào mùa lũ đặt ở tại khu vực cửa xả tràn để tăng thêm tính dự phòng khi vận hành hồ chứa trong tình trạng khẩn cấp.

Mặt khác, cung cấp các hình ảnh camera quan sát trực tuyến tại khu vực đập cho Ban chỉ huy PCTT & TKCN địa phương, đồng thời truyền trực tiếp tới Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai để các cơ quan giám sát trực tiếp./.

>>> Thủy điện mùa mưa bão–Bài 2: Chia sẻ thông tin, có quy chế phối hợp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục