Thuyền du lịch trên sông Hương cần "thay áo mới": * Bài cuối: Nâng cao chất lượng dịch vụ

11:02' - 26/02/2022
BNEWS Thừa Thiên – Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương và đang hướng đến phát triển du lịch đẳng cấp.

Việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên sông Hương là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh lĩnh vực du lịch có nhiều thay đổi, sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các điểm đến nhằm thu hút và giữ chân du khách.

*Nâng tầm dịch vụ trên thuyền

Ngành Du lịch Thừa Thiên – Huế đã nỗ lực đưa vào hoạt động nhiều sản phẩm du lịch về đêm như tuyến phố đi bộ ở bờ Nam đoạn đường Chu Văn An, Võ Thị Sáu, Phạm Ngũ Lão; ở bờ Bắc đang chuẩn bị đưa vào khai thác tuyến phố đêm ở các tuyến đường bao quanh khu vực Đại Nội.

Tuy nhiên, sản phẩm du lịch về đêm trên sông Hương, đặc biệt là ngắm cảnh, nghe hát ca Huế trên những chiếc thuyền đã có từ lâu nhưng dường như đang bị “bỏ ngỏ” về chất lượng hoạt động.

 

Những tháng gần đây, khi toàn xã hội chuyển sang giai đoạn thích ứng với dịch COVID-19, khách du lịch dần trở lại với Huế, những chiếc thuyền rồng du lịch trên sông Hương cũng bắt đầu hoạt động trở lại sau một thời gian dài “ngủ đông”.

Theo các chủ thuyền, thu nhập từ mỗi chuyến chở khách sau khi trừ các khoản chi phí, xăng dầu còn khoảng từ 200 - 300 ngàn đồng. Nếu so với mức giá dịch vụ đi thuyền trên sông ở nhiều thành phố du lịch trong nước, đây là mức giá rất bình dân.

Cảm nhận đầu tiên của nhiều du khách khi bước chân lên những chiếc thuyền rồng vỏ nhôm kính là nội thất bên trong rất sơ sài, với một vài chồng ghế nhựa để du khách ngồi, dịch vụ ăn uống cũng rất nghèo nàn.

Những người phục vụ cũng chính là các thành viên trong gia đình sinh sống ở trên thuyền nên không chú trọng đến yếu tố chuyên nghiệp trong giao tiếp. Một số thuyền có bày bán đồ lưu niệm nhưng đều là những mặt hàng bình dân như vòng hạt, quạt giấy, các loại tượng bằng nhựa… với giá bán vài chục ngàn đồng.

Qua tìm hiểu những hình ảnh giới thiệu về Cố đô Huế, trong chuyến du lịch sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, anh Nguyễn Văn Phong cùng gia đình đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đã lựa chọn trải nghiệm trên thuyền rồng chở khách về đêm và nghe ca Huế.

Tuy nhiên, theo nhận xét của cá nhân, anh Phong cho rằng sản phẩm du lịch này cần phải thay đổi rất nhiều về trang trí không gian bên trong cũng như đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách ở trên thuyền.

Khách du lịch sẵn sàng chi trả giá vé cao đối với sản phẩm dịch vụ đẳng cấp tương xứng để trải nghiệm một lần sẽ muốn quay trở lại và giới thiệu cho nhiều người biết khi đi du lịch Huế.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phúc, đó là thực trạng lâu nay của dịch vụ của thuyền rồng chở du khách trên sông Hương. Hàng năm, ngành Du lịch đều tổ chức tập huấn các kỹ năng làm du lịch cho người dân ở đây nhưng dường như không mang lại kết quả như mong đợi.

Hiện đang là thời điểm thích hợp để khuyến khích các chủ tàu khi đóng mới có thể thành lập các công ty siêu nhỏ để vừa nhận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vừa từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng vận chuyển hành khách cùng các dịch vụ đi kèm.

Thực tế, những thuyền du lịch ở sông Hương hiện nay hầu như vắng bóng các mặt hàng lưu niệm đặc trưng của xứ Huế. Đây là mảnh đất hội tụ của nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng cả nước như hoa giấy Thanh Tiên, nón lá, các sản phẩm đan lát Bao La, gốm Phước Tích, kim hoàn Kế Môn, sản phẩm Pháp Lam…

Bên cạnh đó, ca Huế - một loại hình nghệ thuật thường được biểu diễn trên các thuyền chở khách trên sông Hương đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và đang được xây dựng hồ sơ trình Tổ chức UNESCO đề nghị công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thừa Thiên – Huế đang định hình xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực”. Đó là những lợi thế riêng có cần được hội tụ, khai thác để nâng tầm sản phẩm dịch vụ du thuyền trên sông Hương.

Thuyền rồng chở khách du lịch trên sông Hương. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

*Đầu tư hạ tầng bến đậu

Với số lượng gần 140 phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch đang hoạt động trên sông Hương, việc quy hoạch, đầu tư nâng cấp, xây mới các bến thuyền để tạo diện mạo mới cho du lịch đường sông đang là vấn đề được đặt ra đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Bến thuyền du lịch Phú Cát nằm ven đường Trịnh Công Sơn là nơi neo đậu của phần lớn những chiếc thuyền rồng du lịch trên sông Hương.

Tuy nhiên, bến cập tàu tại đây chưa được đầu tư mới, ven bến, nhiều quán nhậu tự phát cũng được dựng lên, ảnh hưởng đến không gian của một bến thuyền và tạo ấn tượng không đẹp đối với du khách.

Dọc sông Hương, từ trung tâm thành phố Huế ngược lên phía thượng nguồn có khoảng bảy bến đậu để thuyền du lịch chở khách cập bờ, trong đó chỉ có bến thuyền du lịch Tòa Khâm ở trung tâm thành phố có hạ tầng bến đậu tương đối hoàn chỉnh.

Thực tế, tình trạng các thuyền rồng du lịch cập bờ đón khách không đúng vị trí ven hai bờ sông Hương xảy ra nhiều lần, không chỉ gây mất an toàn giao thông đường thủy mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch địa phương.

Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết, tỉnh đang có kế hoạch sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để đầu tư nâng cấp, xây mới các bến thuyền, làm nền tảng mở rộng, phát triển du lịch đường sông. Trong đó, Thừa Thiên – Huế sẽ đầu tư mới một số bến thuyền để đưa du khách đến các điểm di tích như Hổ Quyền, làng du lịch cộng đồng Thủy Biều, lăng Khải Định.

Bên cạnh đó, phần lớn các thuyền rồng du lịch hoạt động trên sông Hương hiện nay là sở hữu của các hộ dân nên việc kết nối để ứng dụng công nghệ trong đặt chỗ, lựa chọn các dịch vụ như nghe ca Huế qua phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động chưa được thực hiện.

Giữa tháng 3/2022, Việt Nam sẽ mở cửa du lịch đón khách quốc tế trở lại. Để đón đà phục hồi của ngành Du lịch hiện nay, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để có những sản phẩm du lịch đẳng cấp, trong đó có dịch vụ du thuyền trên sông Hương.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, năm 2022 có hai phương án dự báo các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành du lịch địa phương. Phương án một, nếu dịch COVID-19 chưa được kiểm soát, địa phương sẽ triển khai theo trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh, tập trung đón khách du lịch nội tỉnh, nội địa; từng bước tổ chức thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo hướng dẫn.

Dự kiến năm 2022, sẽ đón khoảng 2 triệu lượt khách và tổng thu từ du lịch ước khoảng 3.500-4.000 tỷ đồng. Phương án hai, nếu dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát tốt trên cả trong và ngoài nước, việc đón, phục vụ khách được diễn ra trong điều kiện bình thường.

Dự kiến năm 2022, tỉnh đón khoảng 3-3,5 triệu lượt khách (cơ bản phục vụ du khách quốc tế ở thị trường an toàn) và tổng thu từ du lịch ước khoảng 6.000-7.000 tỷ đồng./.

>>> Thuyền du lịch trên sông Hương cần “thay áo mới”: * Bài 1: Nhiều thuyền chở khách đồng loạt "nghỉ hưu"

>>> Thuyền du lịch trên sông Hương cần "thay áo mới": * Bài 2: Nhiều vấn đề cần tháo gỡ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục