Tia cực tím tại Bắc Bộ gây hại ở ngưỡng cao

09:51' - 29/11/2021
BNEWS Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 29/11, chỉ số tia cực tím lớn nhất ở khu vực Bắc Bộ phổ biến ngưỡng nguy cơ gây hại cao.

Khu vực Trung Bộ ở mức nguy cơ gây hại thấp. Khu vực Nam Bộ ở mức nguy cơ gây hại trung bình.

Dự báo từ ngày 30/11-2/12, chỉ số này ở khu vực Bắc Bộ có xu hướng giảm trong ngày 30/11 xuống mức nguy cơ gây hại trung bình, sau đó tăng lên ngưỡng nguy cơ gây hại cao.

Khu vực Trung Bộ, chỉ số này phổ biến ở mức nguy cơ gây hại thấp đến trung bình. Riêng ở khu vực Nam Bộ, chỉ số này có xu hướng tăng dần lên ngưỡng nguy cơ gây hại cao.

Tia cực tím tại Hải Phòng, Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Hà Nội ở mức cao lúc 11-13 giờ, riêng Hà Nội từ 11-12 giờ.

Thang bảng đo chỉ số tia cực tím quy định, từ 3-5 là trung bình, từ 6-7 là cao, từ 8-10 là rất cao, gây bỏng trong thời gian 25 phút và từ 11 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút nếu không được bảo vệ.

Theo các chuyên gia, tia cực tím (UV) nằm trong ánh sáng mặt trời, bất cứ lúc nào có ánh sáng mặt trời là đều có tia cực tím và chỉ khác nhau về bước sóng. Tia UVA (có bước sóng 315nm-380nm), có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da.

Tia UVB (có bước sóng 280nm-315nm), gây say nắng, tổn thương làm đen da, tia UVC (có bước sóng 100nm-280nm), gây ung thư da nhưng đã có tầng ozone chặn lại.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên áp dụng các cách phòng tránh để cơ thể giảm mức ảnh hưởng từ tia cực tím, ngay cả khi trời nhiều mây.

Khi ra đường, người dân cần mặc quần áo bảo hộ, dùng mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai, đeo kính râm để bảo vệ mắt - lựa chọn chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng, độ hấp thụ tia cực tím từ 99-100% sẽ bảo vệ tốt nhất cho mắt và vùng da xung quanh, sử dụng kem chống nắng đều đặn, ngay cả khi trời nhiều mây, đặc biệt chú ý hơn trong khung giờ bức xạ tia cực tím gây hại cao nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục