Tiềm năng phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển ở Thanh Hóa

13:10' - 20/12/2017
BNEWS Những năm gần đây, Thanh Hóa đang nỗ lực để khai thác các tiềm năng và lợi thế, đưa "ngành công nghiệp không khói" trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Thanh Hóa có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển toàn diện kinh tế biển. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Với những lợi thế sẵn có, du lịch biển đảo là một trong những thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa. Những năm gần đây, Thanh Hóa đang nỗ lực để khai thác các tiềm năng và lợi thế, đưa "ngành công nghiệp không khói" trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Biển Thanh Hóa thuộc Vịnh Bắc Bộ, có nhiều tài nguyên hải sản, khoáng sản. Bờ biển Thanh Hoá dài 102 km trải qua 6 huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Sầm Sơn, Quảng Xương và Tĩnh Gia, với dân số là 1,2 triệu người, chiếm gần 1/3 dân số toàn tỉnh. Ngoài biển Thanh Hóa còn có các đảo nổi, đảo chìm như Hòn Nẹ, Hòn Mê và bán đảo Nghi Sơn. Hiện du lịch biển, đảo hiện đang chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch xứ Thanh.

Du lịch nghỉ dưỡng truyền thống tại các bãi biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa với các hoạt động chính là tắm biển, thưởng thức hải sản, tham quan sinh thái, văn hóa... những năm gần đây đã có nhiều cải thiện về tiện nghi, dịch vụ, cảnh quan.

Đặc biệt, loại hình nghỉ dưỡng biển cao cấp tại FLC resort Sầm Sơn, với các dịch vụ cao cấp, tích hợp đầy đủ các yếu tố của loại hình nghỉ dưỡng và là sản phẩm có thể bán 4 mùa, đã góp phần giải quyết vấn đề mùa vụ cho du lịch biển ở xứ Thanh trong vài năm trở lại đây. Trong năm 2017, trong khoảng 6,5 triệu lượt khách đến du lịch Thanh Hóa, thì nghỉ dưỡng biển đã chiếm tới trên 80% tổng lượng khách và khoảng 85% tổng doanh thu du lịch toàn tỉnh.

Để du lịch phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Thanh Hóa xác định du lịch biển, đảo sẽ trở thành sản phẩm du lịch mũi nhọn của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm du lịch mũi nhọn biển, đảo sẽ được hình thành rõ nét, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ hiện đại, chất lượng, hấp dẫn khách du lịch; đến năm 2030, sản phẩm du lịch mũi nhọn trở thành sản phẩm có vị trí quan trọng trong vùng Bắc Trung bộ và cả khu vực Bắc Bộ, thúc đẩy tối ưu các sản phẩm du lịch khác thành những mũi nhọn mới.

Thanh Hóa cũng đề ra mục tiêu cụ thể đối với loại hình du lịch biển là đến năm 2020 đón được 8,4 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế là 248.000 lượt), phục vụ 17,5 triệu ngày khách, tổng thu ước đạt 16.500 tỷ đồng; đến năm 2030 đón 22 triệu lượt khách (khách quốc tế là 1,2 triệu lượt), phục vụ 51,6 triệu ngày khách, tổng thu ước đạt 88.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thời gian tới Thanh Hóa sẽ hợp nhất một số quy hoạch ven biển thành một quy hoạch tổng thể nhằm xây dựng một khu du lịch sinh thái ven biển trọng tâm, trọng điểm của du lịch cả tỉnh cũng như của khu vực và cả nước.

Theo đó, quy hoạch sẽ chia dải ven biển thành nhiều phân khu chức năng, trong đó khu vực phía Đông đường ven biển phát triển du lịch, khu vực phía tây đường ven biển cải tạo dân cư theo hình thức đô thị loại IV và bố trí các khu tái định cư.

Các Khu du lịch biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Khu du lịch biển Sầm Sơn (Thành phố Sầm Sơn), Du lịch biển Quảng Xương, Khu du lịch biển Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia), tuyến du lịch đường biển - đảo Mê... sẽ tạo thành một dải du lịch ven biển của tỉnh Thanh Hóa và khu vực.

Thanh Hóa cũng sẽ tổ chức các dịch vụ trên biển, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức kinh doanh các loại hình dịch vụ: thuyền buồm, lướt ván, mô tô nước, dù bay, khám phá đại dương, các khu vui chơi giải trí cảm giác mạnh...

Nhằm tạo điều kiện cho du lịch biển đảo phát triển, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương vùng ven biển được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, chú trọng, nhất là về kết cấu hạ tầng kỹ thuật với tổng mức vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tỉnh đã đầu tư nâng cấp và hoàn thành trên 35 km đường tại các khu, điểm du lịch ven biển như: Sầm Sơn, Hải Hòa (Tĩnh Gia), Hải Tiến (Hoằng Hóa).

Bên cạnh đó, tỉnh đang tiếp tục triển khai 1 số dự án như: Dự án đường bộ ven biển qua tỉnh Thanh Hóa, Dự án đầu tư đường từ Quốc lộ 1A đến Khu du lịch biển Hải Hòa (Tĩnh Gia), Dự án đầu tư đường từ quốc lộ 1A đến Khu du lịch Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Khu Đô thị sinh thái hai bên bờ sông Đơ (TP Sầm Sơn), Khu Du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn, Khu Du lịch biển Hải Ninh, Du lịch sinh thái biển đảo Mê...

Ngoài ra, trong giai đoạn năm 2007-2017, có 28 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch biển được triển khai với tổng dự toán trên 3.000 tỷ đồng, trong đó có 20 dự án đã hoàn thành, 8 dự án chuyển tiếp. Các cơ sở kinh doanh du lịch ven biển tạo việc làm cho khoảng 15.800 lao động, trong đó 11.300 lao động được đào tạo nghiệp vụ du lịch, chiếm 71,6% tổng số lao động.

Việc tuyên truyền quảng bá của du lịch Thanh Hóa nói chung, du lịch biển đảo nói riêng đã được triển khai mạnh với nhiều hình thức phong phú, chất lượng thông qua hoạt động chuyên đề, hội nghị, hội thảo được đổi mới đã tăng thêm sự hiểu biết biết của du khách trong nước và quốc tế đối với du lịch biển Thanh Hóa.

Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, để đạt được mục tiêu trên, Thanh Hóa sẽ phát triển sản phẩm du lịch bằng tư duy đột phá, tập trung vào việc đổi mới quản lý, nâng cấp dịch vụ - đa dạng hóa sản phẩm nhằm thay đổi định vị trong thị trường về sản phẩm du lịch biển Thanh Hóa là một điểm đến đẳng cấp, hiện đại, hấp dẫn.

"Ngoài ra, Thanh Hóa sẽ thực hiện các giải pháp về quản lý, cơ chế chính sách, quy hoạch, xúc tiến và huy động vốn, nhân lực, tuyên truyền quảng bá cho du lịch biển đảo một cách đồng bộ và hiệu quả. Thực hiện chương trình phát triển du lịch trong năm 2018, tỉnh Thanh Hóa sẽ dành 35 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án liên quan đến du lịch, trong đó dành phần lớn kinh phí để cải tạo hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch và tuyên truyền, quảng bá cho các khu du lịch trọng điểm", ông Quyền nói.

Với việc đưa biển đảo trở thành sản phẩm du lịch mũi nhọn để ưu tiên phát triển cùng với việc thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này, kỳ vọng trong tương lai không xa ngành du lịch biển đảo ở xứ Thanh không chỉ mang lại nguồn thu lớn mà còn trở thành động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục