Tiến bộ kỹ thuật giúp nâng giá trị nuôi trồng thủy sản

21:45' - 13/11/2020
BNEWS Ngày 13/11, tại Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo giới thiệu tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, hội thảo là dịp để tăng cường tuyên truyền giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản vào sản xuất; đồng thời, vừa là dịp để các nhà khoa học, doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật, nhà hoạt động khuyến nông và nông dân mạnh dạn chia sẻ thông tin để hoạt động sản xuất trong lĩnh vực thủy sản thời gian tới đạt hiệu quả cao và bền vững.

Báo cáo tại hội thảo cho thấy, từ năm 2017 đến nay, Tổng cục Thủy sản đã công nhận 21 tiến bộ kỹ thuật; trong đó, chủ yếu là tiến bộ kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, 2 tiến bộ kỹ thuật về bảo quản sản phẩm, chưa có tiến bộ kỹ thuật về sơ chế sản phẩm thủy sản. Riêng năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng giá trị xuất khẩu nông sản được dự báo vẫn đạt khoảng 40 tỷ USD; trong đó, thủy sản là hơn 8 tỷ USD.

Tại hội thảo, đại diện của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II giới thiệu một số kết quả nghiên cứu và công nghệ nổi bật của Viện trong giai đoạn 2015-2020 như: Tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chọn giống và sản xuất giống, công nghệ nuôi, lưu trữ nguồn gen và giống, bệnh và môi trường, dinh dưỡng và thức ăn, quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội địa, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu…

Đối với con cá tra, vật nuôi thủy sản chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long, Viện đã thực hiện chương trình chọn giống cá tra nâng cao tăng trưởng từ năm 2001. Đến nay, chương trình chọn giống này đã thực hiện qua 4 thế hệ chọn lọc, đây là đàn cá tra chọn giống theo tình trạng tăng trưởng duy nhất tại Việt Nam và trong khu vực. Kết quả đã có 60.000 cá tra hậu bị chọn giống tăng trưởng nhanh đã được cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống ở Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2016-2020.

Thông tin từ Chi cục Thủy sản thành phố Cần Thơ, địa phương có 4 cơ sở sản xuất tiếp nhận 8.800 con cá bố mẹ từ nguồn giống mới này để nhân giống, phục vụ cho nuôi thương phẩm. Đàn cá bố mẹ đến nay đã tạo ra 500 triệu cá giống, đáp ứng cho trên 100 ha nuôi thương phẩm với năng suất đạt từ 250 – 300 tấn/ha. Giống cá tra được cải thiện về mặt di truyền, có khả năng tăng trưởng vượt so với cá tra bình thường từ 20 – 25%, khắc phục được tình trạng đồng huyết khiến hiệu quả bị giảm sau nhiều năm chăn nuôi.

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, với những tiến bộ kỹ thuật được áp dụng từ sau năm 1995 đến nay, việc nuôi cá tra hiện nay không còn dựa vào con giống đánh bắt ngoài tự nhiên. Hàng loạt công nghệ đã được ứng dụng, từ khâu sản xuất giống, nuôi, sản xuất thức ăn đã làm thay đổi bộ mặt của ngành hàng cá tra.

Tuy nhiên, theo ông Yên, dù các sản phẩm từ cá tra đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường nhưng tiềm năng từ con cá “tỷ đô” này vẫn chưa được tận dụng hết. Hầu như sản phẩm cá tra phi lê vẫn còn chiếm chủ yếu, trong khi da, xương, mỡ cá tra mới bước đầu được dùng để chế biến thành các sản phẩm khác như: collagen chiết xuất từ da cá tra, mỡ chế biến ra dầu cá, xương và phụ phẩm làm bột cá…Trong khi đó, nước thải, bùn thải từ ao nuôi cá tra vẫn có thể dùng cho các lĩnh vực khác để tạo ra giá trị cao hơn với tiềm năng rất lớn.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến, tham luận đã giới thiệu các tiến bộ mới trong ngành thủy sản. Trường Đại học An Giang giới thiệu hiện trạng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống một số loài cá có giá trị kinh tế cao ở Đồng bằng sông Cửu Long; Trung tâm Khuyến nông/Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các tỉnh và một số nông dân đã giới thiệu các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản thành công tại địa phương.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao do tôm thương phẩm có kích cỡ lớn. Sau 4 tháng nuôi tôm đạt kích cỡ trung bình 35 con/kg, năng suất 7 tấn/ha, lợi nhuận của nông hộ tham gia trình diễn đạt gần 45%.

Tiến sĩ Lê Hồng Phước, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II cho biết, các mô hình như: nuôi tôm ít thay nước với công nghệ biofloc, nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi trong nhà màng, công nghệ nuôi tuần hoàn là những mô hình nuôi hạn chế được dịch bệnh đã được ứng dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, khu vực Nam Mỹ, Mexico…

Tại Việt Nam, mô hình đã được nhân rộng là nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà màng bởi thu nhập cao và kiểm soát được ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho mô hình này khá cao, đòi hỏi quản lý tốt mới mang lại hiệu quả. Theo Tiến sĩ Phước, quan trọng nhất là duy trì chất lượng nước ổn định và an toàn sinh học trong quá trình nuôi vì nếu xảy ra rủi ro thì thiệt hại sẽ rất lớn./.

Thanh Liêm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục