Tiền Giang nhiều giải pháp phát triển thương mại nội địa

10:00' - 08/11/2023
BNEWS Tiền Giang đang tập trung thúc đẩy hoạt động thương mại nội địa thông qua nhiều giải pháp như: đầu tư hạ tầng thương mại, kiện toàn mạng lưới chợ nông thôn đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân.

Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi, địa phương đang tập trung thúc đẩy hoạt động thương mại nội địa thông qua nhiều giải pháp như: đầu tư hạ tầng thương mại, kiện toàn mạng lưới chợ búa nông thôn đáp ứng nhu cầu giao thương, mua sắm, tiêu thụ nông sản hàng hóa của người dân, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), khuyến khích đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ nhân dân… Qua đó, tăng kích cầu tiêu dùng vừa giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, tăng trưởng sản xuất – kinh doanh.

Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, trong 9 tháng của năm 2023, địa phương đã hoàn thành xây mới và đưa vào khai thác 4 chợ nông thôn gồm: chợ Tân Thanh (huyện Cái Bè), chợ Phường 4 (thị xã Gò Công), chợ Điền Mỹ (huyện Chợ Gạo) và chợ Bình Ân (huyện Gò Công Đông) có tổng nguồn vốn đầu tư trên 11,7 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.

 
Hiện nay, Tiền Giang tiếp tục đầu tư thêm gần 50  tỷ đồng từ ngân sách xây cất 7 chợ nông thôn mới phục vụ nhu cầu buôn bán, kinh doanh, giao thương của nhân dân các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Dự kiến các công trình trên sẽ hoàn thành, đưa vào phục vụ trong thời gian tới. Toàn tỉnh đang có mạng lưới 181 ngôi chợ đáp ứng nhu cầu mua bán, tiêu thụ, cung ứng hàng hóa theo nhu cầu trong nhân dân.

Trong nỗ lực xúc tiến thương mại nội địa, tăng cường kích cầu tiêu dùng, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Tuần lễ trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tiền Giang tại Thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vừa qua.

Mặt khác, Sở Công Thương phối hợp cùng các đơn vị hữu quan tổ chức 4 điểm bán hàng Việt Nam tại các địa phương trong tỉnh với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2023. Các siêu thị Co.opmart Gò Công, thị xã Cai Lậy và thành phố Mỹ Tho cũng hưởng ứng chủ trương của tỉnh, đã tổ chức được 3 phiên đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ nhân dân vào các dịp lễ, tết, dư luận rất hoan nghênh.

Ngoài ra, địa phương cũng chú trọng xúc tiến thương mại, kết nối thị trường cho các sản phẩm OCOP cấp tỉnh nhằm quảng bá sản phẩm đặc trưng vùng, miền chất lượng cao của tỉnh.  Theo đó, Tiển Giang đã tổ chức các Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại các Siêu thị Co.opmart và Siêu thị Go!Mỹ Tho; tổ chức nhiểu phiên chợ OCOP và sản phẩm thương mại, các gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại các địa phương trong tỉnh, thu hút nhân dân…

Dự kiến, trong các tháng cuối năm 2023, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang tổ chức thêm từ 2 đến 3 phiên chợ hàng Việt về nông thôn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của nhân dân khu vực nông thôn sâu, xa.

Nhở có những giải pháp đồng bộ xúc tiến thương mại, trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh đạt tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên 81.500 tỷ đồng, tăng 13,6% so cùng kỳ năm trước và đạt 75,1% chỉ tiêu cả năm. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục