Tiền Giang phát huy lợi thế cạnh tranh từ các cây đặc sản

12:33' - 27/08/2018
BNEWS Tiền Giang xác định các chủng loại cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh để phát huy tiềm năng và thế mạnh kinh tế vườn.
Vườn vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim của gia đình ông Hồ Văn Tuấn, xã Phú Phong, huyện Châu Thành (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương xác định các chủng loại cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh để phát huy tiềm năng và thế mạnh kinh tế vườn. Các loại quả có thế mạnh của địa phương là: Xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu riêng, khóm (dứa), thanh long,…

Trên cơ sở đó, Tiền Giang khuyến khích nông dân cải tạo vườn tạp, hình thành vùng trồng chuyên canh, áp dụng đồng bộ giải pháp khoa học kỹ thuật nông nghiệp đạt năng suất, sản lượng cao và phẩm chất tốt tham gia thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cũng cho biết, qua khảo sát, lợi nhuận từ trồng thanh long ruột trắng khoảng 360 triệu đồng/ ha/ năm; thanh long ruột đỏ đạt lợi nhuận 600 triệu đồng/ha/năm trở lên; sầu riêng đạt 1,2 tỷ đồng/ha/năm; lợi nhuận từ xoài cát khoảng 1 tỷ đồng/ ha/ năm.

Nhờ phát huy tiềm năng kinh tế vườn quả đặc sản, nông dân Tiền Giang ổn định cuộc sống, nông nghiệp – nông thôn đồi mới.

Hiện Tiền Giang mở rộng diện tích vườn cây ăn trái lên 75.300 ha, tăng hơn 2,3% so cùng kỳ năm trước. Đến cuối tháng 8/2018, địa phương thu hoạch trên 865.000 tấn trái cây các loại cung ứng thị trường, tăng hơn 2,6% so cùng kỳ năm trước. Tỉnh đặt mục tiêu năm 2018, sản lượng trái cây các loại trên 1,3 triệu tấn.

Toàn tỉnh xây dựng vùng chuyên canh dứa (khóm) trên 15.000 ha tại huyện Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười. Sầu riêng trên 9.000 ha tại các huyện vùng ngập lũ đầu nguồn sông Tiền, thanh long trên 5.000 ha ở các huyện vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh, xoài trên 4.000 ha,…So với trồng lúa độc canh, lợi nhuận từ vườn cây ăn quả đặc sản cao gấp nhiều lần.

Ông Võ Văn Chuột, cán bộ hưu trí tại xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo cho biết, gia đình có 0,8 ha (8.000 m2 đất) trước đây trồng lúa không hiệu quả. Được khuyến khích, ông cải tạo vườn dừa trồng chuyên canh thanh long ruột trắng. Hiện vườn thanh long của ông đã 8 – 9 năm tuổi, đạt sản lượng 16 - 20 tấn quả/năm. Trừ chi phí, gia đình thu lãi ròng 200 triệu đồng trở lên/ năm.

Nông dân Huỳnh Văn Kem, ấp 4, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy có trên 7.000 m2 (0,7 ha) đất trồng chuyên canh các giống sầu riêng chất lượng cao: Mong thong, Ri6. Những năm qua, sản lượng sầu riêng trên 20 tấn quả, bán với giá 70.000 đồng/kg, thu 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 1 tỷ đồng. Theo ông Kem, nhờ cây sầu riêng, gia đình thoát nghèo, xây dựng cơ nghiệp bền vững trên đất xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy.

Ông Nguyễn Văn Út, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết, sầu riêng trở thành cây làm giàu cho nông dân địa phương. Toàn xã hiện có trên 700 ha sầu riêng với sản lượng mỗi năm gần 15.000 tấn quả cung ứng thị trường, giúp nông dân nâng cao thu nhập./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục