Tiền Giang tạo điểm nhấn thu hút đầu tư

16:50' - 03/08/2020
BNEWS Với những lợi thế cạnh tranh so với nhiều địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dù gặp khó do COVID- 19 và hạn mặn, công tác thu hút đầu tư của Tiền Giang vẫn đạt được nhiều kết quả.

Nằm ở vị trí cửa ngõ kết nối giữa Đồng bằng sông Cửu Long với Tp. Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam Bộ, Tiền Giang - địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ngày càng khẳng định là điểm đến có sức hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phát huy lợi thế, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính là những giải pháp đang được tỉnh thực hiện để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư lâu dài, góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở địa phương.

Xác định nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài ngân sách Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Tiền Giang đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thu hút đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, sẵn sàng đón nhận những cơ hội đầu tư mới.

Lợi thế cạnh tranh

Đề cập về những lợi thế mang tính cạnh tranh của Tiền Giang so với nhiều địa phương cùng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho rằng, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư quyết định chọn Tiền Giang để triển khai các dự án là do địa phương hội tụ được nhiều lợi thế mang tính cạnh tranh.

Về cơ sở hạ tầng và kết nối, Tiền Giang có giao thông đường bộ, giao thông thủy khá phát triển và thuận lợi với các tuyến giao thông huyết mạch: cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận (dự kiến thông tuyến vào cuối năm 2020), Quốc lộ 1, Quốc lộ 30, Quốc lộ 50, Quốc lộ 60; sông Tiền, sông Soài Rạp, kênh chợ Gạo rất thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa Tiền Giang với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh hay cảng Mỹ Tho (cảng biển tiếp nhận tàu có tải trọng 3.000 tấn) cũng là một điểm cộng rất lớn. Kết cấu hạ tầng phục hoạt động của doanh nghiệp được đầu tư đồng bộ, hạ tầng khu, cụm công nghiệp luôn sẵn sàng.

Ngoài ra, tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với trên 1,13 triệu người trong độ tuổi lao động. Trên địa bàn có 6 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đào tạo nhiều ngành nghề như kế toán doanh nghiệp, điện công nghiệp, điện lạnh, chế biến thực phẩm… cũng là những tiêu chí nổi bật để Tiền Giang gia tăng cơ hội thu hút đầu tư.

Đến nay, Tiền Giang đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 2.083 ha; trong đó có 4 khu công nghiệp gồm: Khu Công nghiệp Mỹ Tho (ở thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành); Tân Hương (huyện Châu Thành); Long Giang (huyện Tân Phước) và Dịch vụ dầu khí Soài Rạp (huyện Gò Công Đông) đã đi vào hoạt động.

Các khu công nghiệp nằm ở vị trí thuận lợi "trên bến dưới thuyền", trong vùng nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế - xã hội nên được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ngoài ra, tỉnh còn có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch, trong đó có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động.

Chưa kể, xét về chuỗi giá trị liên kết phát triển vùng, liên vùng và cả nước, Tiền Giang nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước, điều kiện tự nhiên sinh thái thuận lợi. Tỉnh có diện tích lớn cây ăn trái đặc sản; là nơi hội tụ của 3 vùng sinh thái nước ngọt phù sa, nước mặn và nước lợ, thuận lợi để đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến, phát triển dịch vụ du lịch mang bản sắc riêng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - Phạm Anh Tuấn cho hay, với những lợi thế mang tính cạnh tranh so với nhiều địa phương cùng thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long, trong những tháng đầu năm 2020 dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID- 19 và hạn mặn, công tác thu hút đầu tư của Tiền Giang vẫn đạt được nhiều kết quả.

Tính lũy kế trong 7 tháng tỉnh thu hút được 24 dự án (tăng 11 dự án so với cùng kỳ năm 2019) với tổng vốn đăng ký mới là trên 9.500 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư thu hút đến tháng 7 đạt trên 10.334 tỷ đồng, bằng 93,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đồng thời toàn tỉnh có khoảng 5.980 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 454 doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2020.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - Phạm Anh Tuấn, với phương châm “Tiền Giang cơ hội đầu tư - đồng hành phát triển”, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch chương trình, hành động liên quan đến công tác thu hút đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. UBND tỉnh có chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên tiếp xúc các nhà đầu tư để giải đáp, tháo gỡ vướng mắc quy trình thủ tục, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.

Đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang ban hành gần 240 văn bản nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đối với các lĩnh vực trọng tâm như: xây dựng, đất đai, đầu tư, kinh doanh, y tế,... tạo nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tỉnh còn thành lập Tổ thẩm định dự án đầu tư ngoài ngân sách do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng nhằm tập trung nâng chất lượng việc xem xét, thẩm định dự án theo hướng tập trung, nhanh chóng nhất. Điều này thể hiện tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Tiền Giang.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, trong 7 tháng đầu năm 2020, đối với giải quyết thủ tục đầu tư, phát triển doanh nghiệp, có tới 99,93% số hồ sơ được cơ quan chức năng giải quyết trước hạn, 0,06% số hồ sơ được giải quyết đúng hạn.

Từ đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu đầu tư các dự án lớn như: Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức đăng ký đầu tư Dự án Bến cảng - Tổng kho xăng dầu - Khí hóa lỏng và các sản phẩm sau dầu mỏ KDC tại huyện Gò Công Đông với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.646 tỷ đồng.

Hoặc liên doanh Công ty TNHH The Reserve Mekong và Công ty CP đầu tư xây dựng Hoàng Gia đầu tư dự án nhà hàng, khách sạn Mekong Paradise tại thành phố Mỹ Tho với tổng vốn đầu tư trên 943 tỷ đồng. Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long Tiền Giang đầu tư dự án Nhà máy chế biến thủy sản tại Khu công nghiệp Mỹ Tho với tổng vốn đầu tư 304, 5 tỷ đồng.

Nói về những thuận lợi khi đầu tư tại tỉnh Tiền Giang, ông Võ Công Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Khu Công nghiệp Long Giang - chủ đầu tư Dự án Khu công nghiệp Long Giang cho biết công ty được cấp phép đầu tư với tổng diện tích 540 ha khu công nghiệp và 60 ha khu dân cư dịch vụ tại xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước (Tiền Giang).

Nhiều nhà đầu tư yên tâm chọn Tiền Giang và chọn Khu công nghiệp Long Giang làm điểm đến là do hệ thống giao thông thuận lợi, từ đây đi đến Thành phố Hồ Chí Minh không xa, có thể đi qua Quốc lộ 1A, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Trong thời gian tới, nếu bến giao thông thủy ngay tại khu vực Khu công nghiệp Long Giang được đưa vào khai thác, việc vận chuyển  hàng hóa càng thêm thuận lợi vì bến được kết nối ra cảng Mỹ Tho và cảng Hiệp Phước (Thành phố Hồ Chí Minh).

Trong những tháng đầu năm 2020, Công ty TNHH Phát triển Khu Công nghiệp Long Giang và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh Tiền Giang và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang; thường xuyên nắm bắt tình hình, bàn giải pháp tháo gỡ kịp thời giúp doanh nghiệp để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hiện, công ty đã đầu tư xây dựng hoàn thiện các cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp như các trạm điện nhằm đảm bảo đáp ứng đủ công suất cấp cho các nhà máy; nguồn nước đủ cấp cho 100% diện tích trong khu công nghiệp và nâng cấp hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động. Các khu trung tâm dịch vụ như nhà ăn, nhà hàng, căng- tin, siêu thị,  sân thể thao,... cũng đang được đầu tư hoàn thiện. Khu Công nghiệp Long Giang đã có gần 40 doanh nghiệp đầu tư tại đây với tổng số 20.000 lao động, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt 80%./.

>>  Tiền Giang sẵn sàng đón cơ hội đầu tư mới

>>Khu chế xuất - Khu công nghiệp Tp Hồ Chí Minh "hút" vốn đầu tư chất lượng cao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục