Tiền Giang thêm 5 cụm công nghiệp tại địa bàn trọng điểm

10:13' - 16/03/2022
BNEWS Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, địa phương đang triển khai thêm 5 cụm công nghiệp tại các địa bàn trọng điểm.

Các cụm công nghiệp tại các địa bàn trọng điểm như: vùng kiểm soát lũ phía Tây, vùng Đồng Tháp Mười, vùng ven biển Gò Công... nhằm thu hút lao động, việc làm, tạo động lực thúc đẩy các địa bàn tiến tới công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Các cụm công nghiệp mới được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt,  triển khai là: Cụm công nghiệp An Thạnh II tại huyện Cái Bè, Cụm công nghiệp Mỹ Phước Tây tại thị xã Cai Lậy, Cụm công nghiệp Thạnh Tân tại huyện Tân Phước, Cụm công nghiệp Gia Thuận II tại huyện Gò Công Đông và Cụm công nghiệp Tân Lý Đông tại huyện Châu Thành.

Tổng nguồn vốn đầu tư 5 cụm công nghiệp là 1.691 tỷ đồng và tổng diện tích đất trong quy hoạch gần 234 ha. Hiện nay, các nhà đầu tư các cụm công nghiệp đang triển khai thực hiện các bước như: áp giá, đền bù, giải phóng mặt bằng, làm thủ tục đánh giá tác động môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp theo quy định.

Với 5 cụm công nghiệp mới được triển khai, nâng toàn tỉnh có 10 cụm công nghiệp đã được triển khai trên địa bàn tỉnh; trong đó, Tiền Giang hiện đã có 5 cụm công nghiệp đang đi vào hoạt động là: Cụm công nghiệp Trung An (thành phố Mỹ Tho), Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh (thành phố Mỹ Tho), Cụm công nghiệp Song Thuận (huyện Châu Thành), Cụm công nghiệp An Thạnh (huyện Cái Bè) và Cụm công nghiệp Gia Thuận I (huyện Gò Công Đông).

Hiện tại, các cụm công nghiệp trên đã kêu gọi được 79 dự án đầu tư thứ cấp trong đó có 6 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2.306 tỷ đồng và trên 150 triệu USD. Diện tích cho thuê đất trên 88 ha, chiếm tỷ lệ gần 74% diện tích đất công nghiệp cho thuê, thiết thực tạo công ăn việc làm cho gần 14.000 lao động.

Để góp phần thu hút đầu tư, phát huy vai trò các cụm công nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, Tiền Giang đơn giản hóa các thủ tục, tích cực mời gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tập trung về một đầu mối.

Nhờ đó, thời gian giải quyết các thủ tục cần thiết theo yêu cầu nhà đầu tư được nhanh chóng, thuận lợi và dễ dàng, giúp tiết kiệm thời gian và phục vụ tốt hơn cho tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu về thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết liên quan đến cụm công nghiệp.

Trên cơ sở phối hợp giữa các cấp, các ngành hữu quan, Tiền Giang chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào làm ăn trong các cụm công nghiệp về nhiều mặt như: kiện toàn cơ sở hạ tầng và các tiện ích cần thiết phục vụ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tốt đầu tư; quản lý về môi sinh môi trường, thường xuyên tổ chức tuyên truyền.

Đồng thời, cập nhật văn bản pháp luật trong việc bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, xử lý chất thải, kiểm tra việc xử lý chất thải và khí thải tại doanh nghiệp đúng quy định pháp luật vừa bảo vệ được môi sinh, môi trường.

Ngoài ra, việc quản lý lao động việc làm tại các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp cũng được hết sức chú ý, đảm bảo hài hòa lợi ích người lao động với giới chủ doanh nghiệp, hạn chế tranh chấp hợp đồng lao động.

Nhất là việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động như: việc điều chỉnh thang lương tối thiểu vùng, xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương theo quy định cũng như nhắc nhở, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, công đoàn…

Đến nay, ngành chức năng Tiền Giang đã tiếp nhận 31 thỏa ước lao động tập thể, đăng ký 28 nội quy lao động và tiếp nhập 55 hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động tại các doanh nghiệp đang hoạt động trong các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Nhìn chung, việc quản lý lao động trong các cụm công nghiệp tại Tiền Giang thực hiện đúng quy định pháp luật. Qua kiểm tra định kỳ, đa số các doanh nghiệp đều chấp hành tốt pháp luật về lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục