Tiền Giang thí điểm xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới

12:15' - 02/06/2017
BNEWS Tiền Giang đã chọn 10 hợp tác xã để tham gia thí điểm xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thu hoạch lúa Đông Xuân bằng cơ giới ở vùng Gò Công. Ảnh : Minh Trí - TTXVN
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nhằm cụ thể hóa Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020”, Tiền Giang chọn 10 hợp tác xã trên hai lĩnh vực: lúa gạo và trái cây để tham gia thí điểm xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trên lĩnh vực lúa gạo, Tiền Giang chọn 5 hợp tác xã: Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh (Cái Bè), Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới (Cái Bè), Nông nghiệp và Kinh doanh tổng hợp Bình Tây (Gò Công Tây), Nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì (Gò Công Tây), Nông nghiệp Mỹ Thành (Cai Lậy).

Trên lĩnh vực trái cây, chọn 5 Hợp tác xã tham gia gồm: Hòa Lộc (Cái Bè), Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Lương (Cái Bè), Sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy), Thanh long Mỹ Tịnh An (Chợ Gạo) và Nông nghiệp Quyết Thắng (Tân Phước).

Tỉnh sẽ hỗ trợ các hợp tác xã được chọn về đào tạo nâng cao năng lực quản lý điều hành, sản xuất, kinh doanh cho cán bộ quản lý; các giải pháp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp.

Cùng đó, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ thí điểm mô hình cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại hợp tác xã.

Đặc biệt giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển mô hình liên kết sản xuất và đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, đồng thời với hỗ trợ kiện toàn kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp tại các hợp tác xã.

Từ nay đến cuối năm 2017, tỉnh sẽ tổ chức 4 lớp đào tạo dành cho cán bộ quản lý hợp tác xã; giai đoạn 2018 – 2020 tiếp tục mở thêm 40 lớp đào tạo với tổng số cán bộ hợp tác xã tham dự là 1.320 người.

Trong giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh cũng mở 30 lớp đào tạo và tập huấn cán bộ chủ chốt cấp xã, cán bộ quản lý nhà nước cấp xã, huyện các kiến thức cũng như nâng cao trình độ chuyên môn về hợp tác xã.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng mời chuyên gia ngành nông nghiệp và các ngành hữu quan tư vấn cho các hợp tac xã về những vấn đề thiết thực để phát triển đúng định hướng và bền vững như: khuyến nông, phương án sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết 4 nhà…

Ngoài ra, trong giai đoạn 2017 – 2020, Tiền Giang thực hiện 120 cuộc tuyên truyền thành lập mới các hợp tác xã. Phấn đấu trong giai đoạn này thành lập thêm 40 hợp tác xã trên hai lĩnh vực trọng tâm: lúa gạo và trái cây.

Để đạt mục tiêu, Tiền Giang huy động trên 30,6 tỷ đồng vốn đầu tư cho chương trình xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2017 – 2020.

Việc thực hiện thí điểm xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp và phát triền nông thôn tại Tiền Giang gắn sản xuất với tiêu thụ trong các chuỗi giá trị nông sản – hướng đi tất yếu trong giai đoạn hiện nay.

Mô hình sẽ thúc đẩy sản xuất – kinh doanh của các hợp tác xã ngày càng đạt hiệu quả kinh tế và bền vững vừa có khả năng nhân rộng trên hai lĩnh vực thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh là lúa gạo và trái cây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục