Tiếp cận cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả

19:00' - 10/12/2022
BNEWS Nhiều nông dân, cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ở Đồng Tháp đã được tiếp cận và nắm rõ các nguyên tắc sử dụng thuốc và phòng trừ dịch hại để phát huy hiệu quả, duy trì môi trường xanh, sạch.

Ngày 10/12, Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife đã phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình “Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm năm 2021 – 2022”.

Đây là năm đầu tiên triển khai dự án hợp tác ba bên giữa Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife trong việc hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm tại tỉnh Đồng Tháp (giai đoạn 2021 – 2026). 

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ nông dân, cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tiếp cận và nắm rõ các nguyên tắc sử dụng thuốc và phòng trừ dịch hại để vừa phát huy hiệu quả của các sản phẩm thuốc, vừa duy trì môi trường xanh, sạch đồng thời bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng. Từ đó hình thành vùng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu.

Ông Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính tới tháng 11/2022, các cán bộ của dự án đã tổ chức và tập huấn được cho hơn 1.100 nông dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả tại 12 huyện, thành phố; hoàn thành 1 lớp tập huấn cho hơn 50 cán bộ kỹ thuật của tỉnh và 6 lớp tập huấn cho các cơ sở buôn bán thuốc với sự tham gia gần 500 đại lý. 

Chương trình hoàn thiện nội dung và phát hành bộ tài liệu tập huấn về quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho từng đối tượng tham gia và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ dịch hại trên một số cây trồng chủ lực của địa phương như lúa, hoa kiểng, nhãn, xoài... Chương trình cũng cấp phát 1.200 tờ rơi, 240 áp phích tuyên truyền và phát sóng 15 video tuyên truyền về sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả trên đài truyền hình địa phương.

Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện 24 phong trào thu gom bao gói, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng trên các tuyến kênh, rạch, mương nội đồng với sự tham gia của hơn 1.600 nông dân. Tổng lượng rác thải bảo vệ thực vật thu gom được là trên 16 tấn.

Đặc biệt, chương trình đã xây dựng hai mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trên lúa và hoa kiểng với gần 300 ha tại Lấp Vò và Sa Đéc (Đồng Tháp) với hơn 490 hộ nông dân tham gia. Nông dân tham gia mô hình không chỉ được tập huấn về các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà còn được trực tiếp tập huấn về cách thức phòng trừ dịch hại trên các cây trồng cụ thể thông qua các đợt tập huấn đầu vụ, giữa vụ và cuối vụ. 

Ngoài ra, tại các mô hình, chương trình cũng bố trí xây dựng 15 bể chứa thuốc bảo vệ thực vật và xây dựng  nhà kho lưu chứa để hướng dẫn nông dân thực hành thu gom bao gói thuốc đúng quy định.

 

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành 3/4 đợt thanh, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả phân tích cho thấy có 21/29 mẫu thuốc có hàm lượng hoạt chất đạt tiêu chuẩn, 4/29 mẫu không đạt tiêu chuẩn và 4/29 mẫu đang chờ kết quả, ông Lê Văn Chấn thông tin.

Ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch CropLife Việt Nam cho biết, trong thời gian tới chương trình sẽ nâng cao về chất lượng tài liệu tập huấn, phương thức tập huấn… cho nông dân để họ dễ dàng nắm bắt tiếp cận. Bên cạnh việc huấn luyện trực tiếp cho nông dân, chương trình cũng sẽ tăng cường huấn luyện trực tuyến nhằm tăng số lượng nông dân tiếp cận. Đồng thời, tăng cường mở rộng địa bàn áp dụng ra nhiều tỉnh khác để lan tỏa rộng hơn tới cộng đồng. 

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đánh giá cao những kết quả đạt được của chương trình “Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm” trong năm đầu tiên. Những mô hình tốt sẽ được các bên và địa phương nhân rộng trong thời gian tới, không chỉ ở Đồng Tháp mà cả các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Tiếp nối kết quả dự án năm đầu tiên, đại diện Cục Bảo vệ Thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife đã ký kết Kế hoạch Hợp tác năm 2023.

Năm 2023, các đơn vị tiếp tục đổi mới tài liệu và nội dung tập huấn theo hướng chuyên sâu - nâng cao hơn đối với những nông dân, đại lý đã tham gia vào năm đầu và tinh gọn – thiết thực hơn đối với nông dân và đại lý mới. Đặc biệt, chương trình tiếp tục triển khai hai mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  có trách nhiệm trên cây sầu riêng và cây ớt; phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội thi nông dân sử dụng thuốc an toàn hiệu quả…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục