Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ

19:54' - 23/12/2016
BNEWS Công nghệ được xem là công cụ chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng và bền vững, là bí quyết để mỗi quốc gia phát triển và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị Tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ ngành công thương được tổ chức ngày 23/12. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ ngành công thương được tổ chức ngày 23/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, giai đoạn 2016-2020, cần đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo sản phẩm mới, phân tích, kiểm tra, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn sản phẩm.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng chỉ đạo, hoạt động khoa học, công nghệ của ngành công thương phải tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành;

Từ nghiên cứu phục vụ xây dựng chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại, khai thác có hiệu quả các Hiệp định TPP, FTA đã ký kết đến các nghiên cứu phục vụ phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm công nghiệp thuộc các lĩnh vực chuyên ngành như cơ khí, cơ điện tử, thiết bị điện, điện tử và tự động hóa, khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất và công nghệ vật liệu, công nghiệp năng lượng, công nghiệp nhẹ và công nghệ sinh học, hóa dược, công nghiệp môi trường...

Đồng thời, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. 

Trong thành tích chung của ngành công thương giai đoạn 2011 – 2015, lĩnh vực khoa học và công nghệ, đã có sự đóng góp không nhỏ. Hoạt động khoa học công nghệ ngành công thương giai đoạn 2011-2015 đã bám sát các yêu cầu, định hướng phát triển của Đảng, Chính phủ và của ngành nhằm góp phần thực hiện các yêu cầu và mục tiêu phát triển của ngành Công Thương. 

Báo cáo từ Bộ Công Thương cho hay, các nội dung nghiên cứu đã gắn với sản xuất, góp phần giải quyết đòi hỏi thực tế, đáp ứng yêu cầu của sản xuất trong cơ chế thị trường, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập ngoại, đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại, chế tạo các thiết bị, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cho ngành.

Nhiều đề tài nghiên cứu sản phẩm, công nghệ mới mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao, nghiên cứu ứng dụng đóng góp hiệu quả vào sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, các đơn vị thuộc ngành công thương đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, chú trọng nghiên cứu công thức, quy trình công nghệ sản xuất, kiểu dáng bao bì, sử dụng các nguyên liệu mới… để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Nhiều thành tựu mới nhất của nền khoa học và công nghệ thế giới đã được chuyển giao và ứng dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi của các đơn vị. Đặc biệt, đã xuất hiện các công trình khoa học đạt tầm cỡ khu vực và thế giới trong một số lĩnh vực như thăm dò, khai thác dầu khí.

Có thể đề cập đến một số kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ điển hình giai đoạn 2011-2015 như chế tạo và hạ thủy thành công giàn khoan dầu khí di động tự nâng 90 m nước; các thiết bị cơ khí thủy công phục vụ các dự án thủy lợi, thủy điện; chế tạo thành công máy biến áp 3 pha 500 kV-3x150 MVA; hệ thống thiết bị nâng hạ; cơ giới hóa trong khai thác than hầm lò; thiết bị nhà máy khai thác, tuyển quặng bô xít; hệ thống lọc bụi tĩnh điện…

Theo TS. Nguyễn Huy Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2011-2015, các tổ chức thuộc Bộ và các Viện đã hoàn thành 12 dự án và đang tiếp tục thực hiện 6 dự án đầu tư chiều sâu nâng caonăng lực nghiên cứu với tổng kinh phí khoàng 624 tỷ đồng; các Viện không thuộc đối tượng được nhà nước đầu tư như Viện Dầu khí, Viện cơ khí năng lượng và mỏ, Viện Công nghệ… đã huy động gần 1.200 tỷ đồng để nâng cao năng lực nghiên cứu…

Tuy vậy, trong thời gian qua, mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, song tình trạng tụt hậu về khoa học, công nghệ so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới vẫn chưa được khắc phục; hoạt động khoa học, công nghệ chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của sự nghiệp đổi mới. Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động khoa học, công nghệ còn khó khăn; đầu tư cho khoa học, công nghệ còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao.

TS. Nguyễn Huy Hoàn cũng kiến nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành có liên quan tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống thiết bị thí nghiệm quy mô pilot để nâng cao mức độ tin cậy của kết quả nghiên cứu, có thể rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng.

Bên cạnh đó, TS. Hoàn đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh hỗ trợ thiết thực hơn nữa cho triển khai một số chương trình phát triển thị trường công nghệ, tạo điều kiện cho các bên cung-cầu có điều kiện mua-bán công nghệ, góp phần đẩy nhanh thương mại hóa các kết quả nghiên cứu…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục