Tiếp tục phiên tòa xét xử vụ góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank

20:09' - 21/03/2018
BNEWS Ngày 21/3, Phiên tòa xét xử vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) tiếp tục với phần xét hỏi.

Trong phiên xử buổi chiều, đại diện Bộ Tài chính có mặt tại phiên tòa với tư cách là người làm chứng đã trả lời nhiều câu hỏi của các luật sư. Phần trả lời của đại diện Bộ Tài chính tập trung xoay quanh việc PVN góp vốn mua cổ phần trong các đợt tăng vốn điều lệ tại OceanBank.

Đại diện Bộ Tài chính trả lời các câu hỏi của luật sư tại phần xét hỏi. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Bộ Tài chính đề nghị PVN rà soát kỹ trước khi đầu tư

Trả lời câu hỏi của nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên PVN) về một số nội dung xoay quanh 2 công văn số 12144 và số 12400 của Bộ Tài chính trả lời Văn phòng Chính phủ về việc PVN góp vốn mua cổ phần trong các đợt tăng vốn điều lệ tại OceanBank.

Cụ thể, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tại Công văn số 12144 ngày 14/10/2008 trả lời công văn số 6553 ngày 2/10/2008 của Văn phòng Chính phủ về việc PVN góp vốn mua cổ phần tại OceanBank đã nêu rõ: “Để đảm bảo tính hiệu quả, đề nghị PVN cần báo cáo rõ tình hình hoạt động của OceanBank, đặc biệt là danh mục cho vay, danh mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán cũng như việc trích lập các khoản dự phòng cho các hoạt động kinh doanh của OceanBank, xác định giá trị thực cổ phiếu của OceanBank để tránh rủi ro trước khi quyết định việc đầu tư. PVN chịu trách nhiệm về hiệu quả của hoạt động đầu tư này”. Công văn này đã được Bộ Tài chính gửi tới Văn phòng Chính phủ, đồng thời gửi cho PVN.

Ba ngày sau khi nhận được công văn số 12144 của Bộ Tài chính, ngày 17/10/2008, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6987 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương đầu tư góp vốn, còn trình tự thủ tục do các Bộ, ngành chuyên môn hướng dẫn PVN thực hiện. Tuy nhiên, PVN đã không có báo cáo triển khai các công việc như hướng dẫn của Bộ Tài chính ghi rõ trong Công văn 12144.

Còn tại Công văn số 12400 ngày 16/9/2010 trả lời công văn số 5643 ngày 12/8/2010 của Văn phòng Chính phủ về việc tham gia góp vốn tăng vốn điều lệ tại OceanBank của PVN, Bộ Tài chính nêu rõ: “PVN là tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí. Đây là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, có nhiều dự án PVN phải đề nghị Nhà nước hỗ trợ vốn ưu đãi và các dự án trọng điểm về dầu khí còn được Nhà nước cho phép sử dụng nguồn lãi dầu, khí của nước chủ nhà được để lại cho PVN.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo PVN rà soát tình hình triển khai thực hiện, cân đối nguồn vốn cho các dự án dầu khí, đặc biệt là các dự án trọng điểm dầu khí, trên cơ sở đó xác định nguồn vốn để đầu tư góp vốn vào OceanBank. Việc đầu tư phải đảm bảo tính hiệu quả, bảo toàn và phát triển được vốn đã đầu tư. Trường hợp nguồn vốn không đủ để tham gia đầu tư góp vốn thì PVN thực hiện chuyển nhượng quyền mua cổ phần tăng vốn điều lệ tại OceanBank theo quy định hiện hành”.

Xét hỏi làm rõ các khoản chi trong vụ án

Luật sư Phạm Thành Luân hỏi các bị cáo để Hội đồng xét xử làm rõ toàn bộ vụ án. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Theo nội dung truy tố, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc PVN từ tháng 1/2011 đến tháng 7/2014, được Tổng Giám đốc phân công theo dõi, chỉ đạo công tác tài chính kế toán của Tập đoàn.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Phó Tổng giám đốc PVN phụ trách tài chính kế toán, trên cơ sở các báo cáo, đề xuất của Ninh Văn Quỳnh, Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính kế toán PVN, Nguyễn Xuân Sơn ký các văn bản và Quyết định số 4212/QĐ-DKVN về việc chuyển 100 tỷ đồng góp vốn vào OceanBank (lần 3), nâng tổng số vốn góp của PVN tại OceanBank là 800 tỷ đồng, để duy trì tỷ lệ 20% vốn điều lệ mới của OceanBank (4.000 tỷ đồng), trái quy định tại khoản 2, Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Hành vi làm trái nêu trên của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã đồng phạm giúp sức cùng các bị cáo khác trong vụ án gây thiệt hại cho PVN 100 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến hành vi làm trái của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cáo trạng xác định trong khoảng thời gian năm 2009 - 2013, bị cáo Ninh Văn Quỳnh đã nhận từ Nguyễn Xuân Sơn số tiền 20 tỷ đồng, được lấy từ nguồn tiền do Hà Văn Thắm chỉ đạo chi lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền vào OceanBank.

Làm rõ về “đường đi” của các khoản chi, các luật sư đã đặt câu hỏi cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh xoay quanh việc nhận và sử dụng số tiền 20 tỷ đồng này.

Theo lời khai của bị cáo Quỳnh, khi bị cáo Sơn đưa tiền, bị cáo Quỳnh mặc định đây là tiền của OceanBank do bị cáo Sơn trước đây là người đại diện nguồn vốn của PVN tại OceanBank mặc dù bị cáo Sơn đã chuyển công tác về PVN nhưng mối quan hệ vẫn còn. Về phía mình, Sơn giải thích đây là tiền của OceanBank với mục đích chi là để thực hiện chính sách chăm sóc khách hàng.

Có mặt tại Tòa với tư cách là người làm chứng, Hà Văn Thắm cũng khai đây là số tiền chi chăm sóc khách hàng cho PVN do PVN là đối tác chiến lược của OceanBank. Tuy nhiên, Hà Văn Thắm cũng cho biết khoản tiền chi này không cao hơn những khách hàng khác, do PVN là cổ đông, là đối tác chiến lược nên được coi như “người nhà”.

Chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Sáng 22/3, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại Tòa sẽ đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo./.

>>>Làm rõ quy trình quyết định góp vốn vào OceanBank

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục