Tiết kiệm khá nhiều chi phí nạo vét, duy tu luồng hàng hải

19:31' - 12/10/2016
BNEWS Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công nhấn mạnh: " Hiện chúng ta đã quản lý được chặt chẽ nguồn kinh phí duy tu nạo vét, bảo vệ được môi trường..."

Ngày 12/10, tại Hà Nội, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 27/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về nạo vét duy tu và đánh giá kết quả thực hiện xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng biển, cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, sau gần 2 năm thực hiện Quyết định số 73/QĐ-TTg (Quyết định 73) của Thủ tướng Chính phủ, việc nạo vét duy tu đã có những thay đổi tích cực, cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, quá trình thực hiện đã rút gọn thủ tục, thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả rõ rệt; việc quản lý của các cơ quan nhà nước được tăng cường, hạn chế tối đa tiêu cực, ngăn ngừa các hành động gây ô nhiễm môi trường.

Tiết kiệm nhiều chi phí nạo vét, duy tu luồng hàng hải. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công đánh giá, “Qua 2 năm triển khai, chúng ta đã tiết kiệm được khá nhiều kinh phí và hiệu quả vẫn cao. Có những luồng tiết kiệm được đến hơn một nửa kinh phí, ví dụ như luồng Đà Nẵng, những năm trước đây phải chi đến khoảng 17 tỷ đồng cho nạo vét, nhưng năm nay số tiền chi cho vấn đề này chỉ khoảng 9 tỷ đồng. Hay luồng Cái Lân, trước đây khoảng hơn 20 tỷ đồng nhưng năm nay chỉ còn khoảng 10 tỷ đồng. Luồng Quy Nhơn cũng chỉ mất có 5 tỷ đồng, trước đây phải mất hơn 10 tỷ đồng".

Đề cập đến khía cạnh bảo vệ môi trường, chống tiêu cực, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho hay: “Trước đây có hiện tượng đổ thải bừa bãi, cứ xúc lên rồi lại đổ sang cạnh luồng, sau đó lại tràn xuống luồng. Nhà thầu tự dưng lại được ăn 2 lần, không mất chi phí vận chuyển, nhưng năm sau lại xúc đúng chỗ đấy”.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh: “Hiện chúng ta đã quản lý được chặt chẽ nguồn kinh phí duy tu nạo vét, bảo vệ được môi trường và quan trọng nhất là khi luồng ổn định sẽ tác động rất tốt đến lưu thông hàng hải, tàu bè ra vào dễ dàng, đem lại nhiều lợi ích cho các chủ tàu, doanh nghiệp, nhà vận tải, chủ hàng..., vì có thể chủ động được kế hoạch tàu ra vào, từ đó tăng tính cạnh tranh và giảm chi phí vận tải".

Về thực hiện xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng biển, cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước, ông Đỗ Hồng Thái, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, sau gần 2 năm thực hiện Quyết định số 73/2013/QGG-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư hướng dẫn, việc nạo vét duy tu đã có nhiều thay đổi tích cực, cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, quá trình thực hiện đã rút gọn thủ tục, thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả rõ rệt; việc quản lý của các cơ quan nhà nước được tăng cường, hạn chế tối đa tiêu cực, ngăn ngừa các hành động gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án xã hội hóa đã phát sinh nhiều bất cập, chưa đạt được kết quả, hiệu quả như mong muốn.

“Nguyên nhân chính là về cơ chế chính sách chưa quy định chặt chẽ, rõ ràng về trình tự thủ tục trong thực hiện dự án, quá trình lựa chọn nhà đầu tư quá đơn giản dẫn tới việc chọn nhà đầu tư không đủ năng lực, chuyên môn thực hiện dự án….”, ông Đỗ Hồng Thái cho hay.

Để khắc phục các tồn tại, bất cập trên, Phó Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam Đỗ Hồng Thái kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện cơ chế, chính sách như tiếp tục sửa đổi Thông tư 25/2013/TT-BGTVT và Thông tư số 28/2015/TT-BGTVT để giám sát chặt chẽ đối với các dự án đã được chấp thuận. Có ý kiến với UBND các tỉnh trong việc hướng dẫn, hỗ trợ và giải quyết nhanh chóng việc đăng ký tận thu sản phẩm nạo vét cảu các dự án để thực hiện nạo vét luồng hàng hải.

Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Bộ Xây dựng xây dựng văn bản pháp quy quy định việc xuất khẩu cát nhiễm mặt tận thu từ các dự án nạo vét.

Đồng thời Cục Hàng hải cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tạm dừng cấp mới các dự án xã hội hóa nạo vét theo hình thức tận thu sản phẩm cho tới khi có Nghị định quy định về thực hiện xã hội hóa tận thu sản phẩm…

Góp ý vào giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của các công trình nạo vét, duy tu luồng hàng hải, ông Phạm Quốc Súy, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu hoàn thiện thêm quy định về hệ thống giám sát nạo vét: vị trí lắp đặt, lắp đặt với sà lan không tự hành. Ngoài ra, cần bổ sung kinh phí cho khảo sát đo đạc vị trí đổ đất vào thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình…

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị tư vấn, nhà thầu, ban quản lý dự án, đại diện nhiều địa phương... cũng đưa ra nhiều kiến nghị, cũng như những khó khăn vướng mắc để cùng bàn bạc tháo gỡ. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp thu, tìm cách tháo gỡ khó khăn để công việc được thuận lợi hơn, đem lại lợi ích cho cả nhà nước và doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục