Tiết kiệm năng lượng mới đạt hơn 70% mục tiêu

12:19' - 15/06/2017
BNEWS Năm 2017, dự án này sẽ đạt mức tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính là hơn 249.000 TOE, mới chỉ đạt lần lượt 70% mục tiêu so với thiết kế ban đầu của dự án.
Hội nghị Tổng kết Dự án tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam (CPEE). Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Ngày 15/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Dự án tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam (CPEE).

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, Tổng Cục Năng lượng – Bộ Công Thương cho biết, theo số liệu ước tính, năm 2017, dự án này sẽ đạt mức tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính lần lượt là hơn 249.000 TOE (tấn dầu quy đổi) và hơn 933.000 TCO2.

Tuy nhiên, con số này mới chỉ đạt lần lượt 70% mục tiêu về tiết kiệm năng lượng và 75% mục tiêu về tiết giảm phát thải khí nhà kính so với thiết kế ban đầu của dự án.

Hiện dự án này mới giải ngân được khoảng 89% tổng ngân sách tài trợ, và trong thời gian ngắn tới, sẽ tiếp tục giải ngân số ngân sách tài trợ còn lại.

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam cho rằng, để thu hút doanh nghiệp tham gia và đàm phán các mục tiêu tham vọng hơn, cần có cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn. Bởi có nhiều doanh nghiệp từ chối ký kết vì các khuyến khích không hấp dẫn doanh nghiệp.

Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Tp. Hồ Chí Minh, phải có sự cam kết chính trị ở các cấp, đảm bảo có đủ nguồn lực triển khai và vận hành Thoả thuận tự nguyện trong thời gian dài. Cụ thể như nguồn lực tài chính, kỹ thuật, nhân lực... Các Thoả thuận tự nguyện này cũng phải được cam kết ổn định và các ưu đãi sẽ được duy trì...

Cùng quan điểm trên, các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, việc nâng cao sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm sẽ có tác động tốt tới hoạt động sản xuất. Việt Nam có thể tiết kiệm 11% năng lượng, tương đương 11 GW trong tương lai nếu có sự đầu tư thích hợp cho sử dụng năng lượng.

Bên cạnh đó là có cơ chế chuyển từ việc tự nguyện tham gia lên cơ chế mang tính bắt buộc hơn...; xây dựng cơ chế luật, chế tài... giúp doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn tiết kiệm năng lượng.

Dự án CPEE được thực hiện trong 5 năm (2012-6/2017), nhằm tăng cường năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trong các ngành công nghiệp chủ chốt, qua đó nâng cao hiệu quả năng lượng (đạt hơn 360.000 TOE vào năm thứ 5) và giảm phát thải khí nhà kính (đạt 1,25 triệu TCO2 vào năm thứ 5).

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, dự án ngoài việc thực hiện truyền thông, phổ biến về thoả thuận tự nguyện và dịch vụ năng lượng (ESCO) tới cộng đồng; còn giúp đào tạo, nâng cao về ESCO với 75 chuyên gia từ các công ty cung cấp dịch vụ năng lượng.

Dự án cũng giúp xây dựng hướng dẫn thực hiện dự án hợp đồng hiệu quả năng lượng, mẫu chuẩn về hợp đồng này như chia sẻ tiết kiệm năng lượng, bảo lãnh tiết kiệm năng lượng, mua bán năng lượng...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục