Tiết kiệm trên 1.290 tỷ đồng/năm từ cắt giảm kiểm tra chuyên ngành mặt hàng nông nghiệp

17:57' - 21/12/2020
BNEWS Giai đoạn 2021-2030, Bộ NN&PTNT tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc ban hành, đồng thời rà soát, cắt giảm, đơn giản các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Chiều 21/12 tại Ninh Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 và định hướng cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030”.

Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá, kết quả cải cách hành chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong 10 năm qua được thể hiện khá toàn diện trên cả 6 nội dung, tạo sự chuyển biến nhất định trong quản lý, điều hành của Bộ. Từ đó, góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện, thúc đẩy cơ cấu lại ngành và xây dựng nông thôn mới.

Những kết quả nói trên được minh chứng bằng việc cải thiện rõ rệt Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ xếp hạng thứ 13 (năm 2016) lên vị trí thứ 7 (năm 2017) và giữ vị trí thứ 4 trong 2 năm liên tiếp được đánh giá gần đây (năm 2018 và 2019).

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, cải cách hành chính vẫn là việc cần làm thường xuyên lâu dài bởi công cuộc cải cách hành chính gắn liền với sự phát triển của nhà nước. Thời gian tới, việc cải cách thủ tục hành chính phải dựa trên quan điểm là chuyển từ kiểm soát trước sang kiểm soát sau. Điều này có nghĩa là người thực hiện các thủ tục sẽ tự chủ, tự quản lý còn Nhà nước thì trên cơ sở đánh giá rủi ro sẽ có quy trình kiểm soát sau.

“Do đó đột phá tới đây cần làm là phải ứng dụng công nghệ thông tin vào Chính phủ điện tử để làm tốt hơn và mọi người có thể tiếp xúc, tham gia công khai, minh bạch với Chính phủ điện tử.”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Sông Thao, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2011-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quyết liệt việc kiểm soát chặt chẽ các quy định về thủ tục hành chính, đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch và cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ.

Về rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đến tháng 12/2020, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn có tổng số 390 thủ tục hành chính; trong đó, có 255 thủ tục hành chính cấp bộ, 105 cấp tỉnh, 15 cấp huyện, 9 cấp xã, 6 cơ quan khác, được công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ và website của các đơn vị theo đúng quy định. So với thời điểm tháng 1/2016, Bộ đã cắt giảm 118 thủ tục hành chính, bao gồm: 64 thủ tục hành chính cấp bộ, 32 cấp tỉnh, 23 cấp huyện, 5 cấp xã.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức rà soát 63 thủ tục hành chính liên quan tới kiểm tra chuyên ngành được quy định tại 27 văn bản, gồm 3 Luật, 6 Nghị định, 18 Thông tư. Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 32/63 thủ tục hành chính, đạt 50,7%. Việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành của Bộ đã đạt yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố Danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp gồm 272 điều kiện. Số lượng điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đã bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa gồm 251 điều kiện; trong đó, bãi bỏ 115 điều kiện, sửa đổi 136 điều kiện. Bộ cũng thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành các văn bản quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh thủ tục hành chính đảm bảo tuân thủ các yêu cầu, tiêu chí đặt ra trong các Nghị quyết của Chính phủ.

Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh ước tiết kiệm được 233.790 ngày công, tương đương 32 tỷ đồng/năm; việc cắt giảm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành ước tính tiết kiệm trên 1.291 tỷ đồng/năm.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện rà soát, cắt giảm tối đa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; công khai Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trên trang thông tin điện tử. Các đơn vị thuộc Bộ chủ động tổ chức thực thi các văn bản liên quan; xem xét, giải quyết những khó khăn đối với doanh nghiệp trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành của Bộ; rà soát, thống nhất giao một đầu mối thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một số sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề xuất Chính phủ và thực hiện tập trung thống nhất một đầu mối đối với những nhóm hàng chịu sự kiểm tra của nhiều cơ quan với nhiều hình thức kiểm tra chuyên ngành khác nhau.

Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Bộ đã thực hiện thay đổi phương thức quản lý nhà nước chủ yếu từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và giảm chi phí thực hiện giao dịch nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp qua biên giới.

Năm 2020, Bộ đã đẩy mạnh thực hiện đổi mới việc kiểm tra chuyên ngành theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành đảm bảo hiệu quả góp phần giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

Hiện Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ đã được kết nối, liên thông với cổng dịch vụ Công một cửa Quốc gia. Đến nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ đã triển khai xây dựng tổng số 27 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; tích hợp, kết nối thí điểm thành công Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia và đang được tiếp tục hoàn thiện để tích hợp, kết nối đầy đủ.

Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện triển khai kết nối 22/33 thủ tục hành chính, còn 11 thủ tục đang được khẩn trương thực hiện để kết nối hệ thống một cửa quốc gia năm 2020. Đến nay, Bộ đã cấp phép điện tử tổng số 919.000 hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Ông Nguyễn Sông Thao cho biết, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia mang lại nhiều tác động tích cực đối với doanh nghiệp, nỗ lực cải cách, đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, kết hợp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sông Thao, nhìn chung, cải cách hành chính vẫn chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển của ngành. Một số thủ tục hành chính nội dung còn rườm rà, phức tạp, chậm được sửa đổi.

Trong giai đoạn 2021-2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc ban hành, đồng thời rà soát, cắt giảm, đơn giản các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục hành chính đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo kiểm soát, giám sát của nhân dân đối với các cơ quan hành chính; đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Bộ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng hệ thống thông tin thị trường có hiệu quả để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và hoạch định chính sách phát triển ngành nông nghiệp; triển khai có hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục