Tiêu điểm trong ngày: Gương vỡ có lành?
Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), diễn ra 11 và 12/7 tại Brussels (Bỉ), được xem như thời khắc then chốt để tổ chức này xác định chiến lược hợp tác nội khối trong tương lai khi mà căng thẳng giữa Mỹ, quốc gia đầu tàu NATO, với các đồng minh cùng khối đang ngày càng làm lung lay mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimia Putin đã được ấn định diễn ra chỉ 4 ngày sau Hội nghị thượng đỉnh NATO, những nỗ lực của NATO nhằm tìm kiếm một sự đoàn kết của liên minh quân sự này trở nên khó khăn hơn.
Mối quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương giữa Liên minh châu Âu (EU) - Mỹ, vốn được coi như hòn đá tảng cho sự tồn tại của NATO, thời gian gần đây lại đang trong thời kỳ "cơm không lành, canh chẳng ngọt". Sau khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn gây sức ép buộc các đồng minh châu Âu phải tăng đóng góp để đổi lại các lợi ích mà NATO mang lại.
Ông chủ Nhà Trắng nhiều lần tỏ rõ không hài lòng về việc Mỹ phải chi nhiều hơn hẳn các thành viên NATO khác, điều mà Washington khẳng định là "không công bằng" bởi đây là những khoản đóng góp mà Mỹ đánh giá là cần thiết cho đảm bảo an ninh và phòng thủ tập thể, hai nội dung chính trong chiến lược hoạt động của khối liên minh được thành lập từ 69 năm trước.
Nếu đạt mức chi 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như mục tiêu đề ra thì sẽ có khoảng 100 tỉ USD mỗi năm được các nước thành viên NATO chi thêm cho quốc phòng.
Tám nước châu Âu gồm Bỉ, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan và Đức đã bị ông Trump "điểm mặt chỉ tên" với yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO.
Căng thẳng giữa Mỹ với EU liên quan vấn đề thương mại và thuế quan bùng nổ vài tháng này càng làm trầm trọng hơn những mâu thuẫn dai dẳng xuyên Đại Tây Dương, đồng thời cũng khiến rạn nứt giữa các thành viên NATO thêm dày.
Chủ đề Nga, vốn luôn bị NATO coi là "mối đe dọa" chủ chốt, cũng sẽ bao trùm hội nghị lần này, trong đó cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ sắp tới là yếu tố chi phối chính. Trong NATO, yếu tố Nga luôn là mục tiêu được quan tâm và gây ảnh hưởng hàng đầu đối với mọi chính sách răn đe cũng như phòng thủ mà khối này theo đuổi.
Mối quan hệ Nga-NATO, đặc biệt là từ đầu những năm 2000 diễn ra rất phức tạp sau khi NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu. Tuy nhiên, hai bên đã ngồi lại được với nhau vì những lợi ích chung như duy trì sự ổn định tại Afghanistan hay hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.
Đến cuộc họp thượng đỉnh Lisbon (Bồ Đào Nha) tháng 11/2010, quan hệ giữa hai bên có những thời điểm ngắn ngủi đã có vẻ khá nồng ấm. Nhưng sau đó, khi cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine nổ ra và nhất là sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea (Crưm), mối quan hệ giữa hai bên đã trở nên đặc biệt căng thẳng.
Thế giới đã chứng kiến NATO thông qua các biện pháp tăng cường lực lượng và vũ khí sát biên giới Nga để "tái đảm bảo cho Ba Lan và các nước vùng Baltic", đáp lại là những chuyển động quân sự mạnh mẽ của một cường quốc như Nga, cùng những "sự cố" xảy ra ngày càng gia tăng, trên không cũng như trên biển giữa lực lượng hai bên.
Từng có không ít cảnh báo về mối đe dọa trở lại của "Chiến tranh lạnh" sau những vụ đối đầu này, dù vài năm nay, NATO tỏ ra đã lựa chọn cách tiếp cận hai mặt đối với Nga khi vừa theo đuổi chính sách răn đe quốc phòng nhưng đồng thời vẫn giữ kênh đối thoại.
Cũng phải thấy rằng mối quan hệ với Nga cũng đang gây xáo trộn nội bộ NATO. Các nước đồng minh NATO dường như không đồng nhất trong đánh giá về cái được gọi là "mối đe dọa từ nước Nga của Tổng thống Putin".
Trong khi một số thành viên NATO là "hàng xóm" liền vách với Nga lo ngại họ có thể là mục tiêu bị nhắm đến trước tiên khi căng thẳng Nga-NATO leo thang và luôn kêu gọi NATO tăng cường nỗ lực kiềm chế Nga, thì một số quốc gia, như Italy, đang có quan điểm phải tìm cách xích lại gần Moskva, chưa kể những nước như Thổ Nhĩ Kỳ còn hợp tác an ninh với Nga.
Quan điểm khó đoán của Tổng thống Trump đối với Nga cũng đang làm giới chức NATO đau đầu, nhất là khi cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ sắp tới đang được đánh giá có thể cải thiện quan hệ khá sóng gió giữa hai cường quốc thời gian qua.
Trong bối cảnh đó, kết quả Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này được xem là "thông điệp" gửi tới Tổng thống Nga về sức mạnh đoàn kết và quyết tâm của khối trong việc "đối phó với Moskva". Nội dung chính của hội nghị là tiếp tục xác định chính sách tăng cường lực lượng tại sườn phía Đông với việc triển khai 4 tiểu đoàn chiến thuật đa quốc gia tại các nước Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan.
Liên minh cũng tăng cường sự hiện diện trong khu vực Biển Đen. Việc bố trí các lực lượng này dựa trên quan điểm cho rằng tất cả các cuộc tấn công chống lại một thành viên sẽ bị coi là hành động chống lại toàn bộ liên minh và sẽ gây ra một sự đáp trả tập thể.
Giới lãnh đạo NATO coi việc nhất trí được những nội dung này là lời khẳng định về sức mạnh liên minh bền chặt của khối quân sự đã sắp bước sang tuổi 70, và đây cũng là "chất keo" có thể hàn gắn những rạn nứt trong nội bộ khối lâu nay.
Tuy nhiên, thái độ khá gay gắt mà ông Trump thể hiện tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ở Canada vừa qua, cũng như việc ông chủ Nhà Trắng một lần nữa gọi NATO là một tổ chức "tồi tệ" mà ông ví "tệ không kém gì NAFTA", tức Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ bị Tổng thống Trump coi là "mối đe dọa an ninh" của Mỹ - đang trở thành “điềm xấu” trước khi lãnh đạo các nước NATO gặp mặt ở Brussels.
"Viễn cảnh" những cái bắt tay gượng gạo như trong cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Trump với các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh tháng 5 năm ngoái, khi ông Trump, cùng những chỉ trích về một NATO lỗi thời và không chịu chia sẻ gánh nặng tài chính, đã từ chối ủng hộ điều khoản bảo vệ lẫn nhau, được gọi là "Điều 5" của Hiến chương NATO, hoàn toàn có thể tái diễn tại hội nghị năm nay.
Nhiều nhà lãnh đạo NATO còn lo ngại rằng với tính cách của mình, Tổng thống Trump sẵn sàng "thẳng tay" với các đồng minh NATO để tạo không khí thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga.
Không loại trừ khả năng tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần này, người ta phải chứng kiến một "cuộc đụng độ ngoại giao" nữa giữa các nhà lãnh đạo các nước thành viên châu Âu với Tổng thống Trump./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mỹ: NATO cần bồi hoàn cho Mỹ các chi phí quốc phòng
07:26' - 11/07/2018
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/7 đã cáo buộc các đồng minh thuộc NATO không thực hiện những cam kết về chi tiêu quốc phòng, đồng thời ngụ ý các nước này cần "bồi hoàn" cho Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
Công ty vận tải hàng không Nga chấm dứt hợp đồng với NATO
16:18' - 19/04/2018
Ngày 18/4, công ty vận tải hàng không Volga-Dnepr của Nga thông báo sẽ chấm dứt cung cấp máy bay vận tải cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) vào cuối năm nay.
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ, NATO lên kế hoạch diễn tập hải quân lớn nhất từ thời Chiến tranh Lạnh
08:04' - 08/03/2018
Mỹ và các đồng minh cùng với đối tác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang lên kế hoạch tổ chức diễn tập đổ bộ hải quân lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
-
Kinh tế Thế giới
NATO lo ngại kế hoạch quốc phòng của EU
12:10' - 20/02/2018
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nêu rõ những quan ngại về Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) của Liên minh châu Âu (EU).
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu đợt sa thải hơn 1.300 nhân viên
10:46'
Trong bản thông báo nội bộ gửi đến đội ngũ nhân viên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đợt sa thải lần này sẽ bao gồm 1.107 viên chức và 246 công chức ngoại giao làm việc tại Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
Câu chuyện truyền cảm hứng cho cả thế giới
10:10'
Hai nước đã trải qua một giai đoạn lịch sử phi thường, xây dựng mối quan hệ song phương đạt được những tiến triển đầy ý nghĩa và đáng tự hào.
-
Kinh tế Thế giới
Ngành rượu vang Đức lo ngại tác động tiêu cực từ thuế quan của Mỹ
21:56' - 11/07/2025
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, các nhà sản xuất rượu vang nước này dự đoán sẽ có nhiều hậu quả tiêu cực lớn nếu Mỹ quyết định áp thuế quan đối với rượu vang nhập khẩu.
-
Kinh tế Thế giới
Nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới tăng trưởng trì trệ
16:20' - 11/07/2025
Kinh tế Anh chỉ đạt mức tăng trưởng 0,1% trong tháng 5/2025 với sự sụt giảm cả trong hai lĩnh vực sản xuất và xây dựng.
-
Kinh tế Thế giới
Xuất khẩu của Trung Quốc có thể khởi sắc trước thời hạn Mỹ tái áp thuế
15:45' - 11/07/2025
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2025 nhiều khả năng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh giao hàng trước thời hạn để tránh rủi ro thuế của Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
Cuba đẩy mạnh sử dụng năng lượng Mặt trời trong sản xuất xì gà
14:45' - 11/07/2025
Để duy trì sản xuất xì gà, nông dân ở tỉnh miền Tây Pinar del Río đã chuyển sang sử dụng tấm pin Mặt trời để vận hành hệ thống tưới tiêu giữa cuộc khủng hoảng năng lượng.
-
Kinh tế Thế giới
Bộ Ngoại giao Mỹ lên kế hoạch cắt giảm nhân sự quy mô lớn
12:50' - 11/07/2025
Ngày 10/7, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ sớm triển khai kế hoạch cắt giảm nhân sự, sau khi Tòa án Tối cao tạo điều kiện cho đợt tinh giản biên chế hàng loạt theo đề xuất của Tổng thống Donald Trump.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Brazil tuyên bố đáp trả tương xứng nếu Mỹ áp thuế 50%
11:33' - 11/07/2025
Tổng thống Brazil mong muốn tìm ra giải pháp ngoại giao nhưng cũng tuyên bố sẽ áp thuế đáp trả tương xứng nếu Mỹ áp thuế 50% với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ ngày 1/8 tới đây.
-
Kinh tế Thế giới
EU rút Panama khỏi danh sách các nước có nguy cơ cao về rửa tiền
10:49' - 11/07/2025
Chính phủ Panama mới đây tuyên bố nước này đã “khôi phục được niềm tin quốc tế” sau khi được Liên minh châu Âu (EU) rút khỏi danh sách các quốc gia có nguy cơ cao về rửa tiền và tài trợ khủng bố.