Tiêu thụ rượu vang toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong 60 năm

14:16' - 16/04/2025
BNEWS Ngày 15/4, Tổ chức Nho và Rượu vang quốc tế (OIV) cho biết, lượng tiêu thụ rượu vang trên toàn cầu trong năm 2024 đã giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm qua.

Thông tin này, cộng thêm những rủi ro từ hàng rào thuế quan mới của Mỹ, càng làm tăng thêm những lo ngại đối với ngành công nghiệp này.

Theo OIV, tổng lượng tiêu thụ rượu vang toàn cầu năm 2024 giảm 3,3% so với năm 2023, xuống còn 214,2 triệu hectolit (tương đương 21,42 tỷ lít). Đây là mức tiêu thụ thấp nhất kể từ năm 1961, khi lượng tiêu thụ đạt 213,6 triệu hl. Đồng thời, sản lượng rượu vang cũng chạm đáy trong hơn 60 năm qua, giảm 4,8% xuống còn 225,8 triệu hl.

 

Trưởng bộ phận thống kê của OIV, ông Giorgio Delgrosso, cho biết ngành rượu vang đang đối mặt với tác động nặng nề khi lo ngại về sức khỏe kéo nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh ở nhiều quốc gia, bên cạnh các tác động từ yếu tố khó khăn kinh tế. Báo cáo thường niên của OIV nhấn mạnh, ngoài các yếu tố kinh tế và địa chính trị mang tính ngắn hạn, những yếu tố mang tính cấu trúc trong dài hạn cũng góp phần vào xu hướng suy giảm tiêu thụ rượu vang hiện nay.

Tại Mỹ, thị trường rượu vang lớn nhất thế giới, lượng tiêu thụ giảm 5,8% xuống còn 33,3 triệu hl. Ông Delgrosso cho biết các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump, dù đang được tạm hoãn, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với ngành rượu vang.

Tại Trung Quốc, dù thị trường đã cải thiện song chưa đạt được mức tiêu thụ trước đại dịch COVID-19. Trong khi đó, châu Âu, khu vực đóng góp gần một nửa lượng tiêu thụ toàn cầu, chứng kiến mức sụt giảm 2,8% trong năm ngoái. Riêng tại Pháp, một trong những  quốc gia sản xuất rượu vang hàng đầu thế giới, lượng tiêu thụ giảm 3,6%. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là 2 thị trường hiếm hoi ghi nhận mức tiêu thụ tăng.

OIV cho biết thời tiết cực đoan như mưa lớn và hạn hán nghiêm trọng tại một số khu vực đã ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng rượu vang. Italy giữ vững vị thế quốc gia sản xuất rượu vang hàng đầu thế giới với sản lượng đạt 44 triệu hl, đồng thời là nước xuất khẩu rượu vang lớn nhất, chủ yếu nhờ vào sức hút toàn cầu đối với các dòng vang sủi như Prosecco.

Ngược lại, Pháp chứng kiến sản lượng sụt giảm 23% xuống còn 36,1 triệu hl, mức thấp nhất kể từ năm 1957. Tây Ban Nha đạt sản lượng 31 triệu hl, trong khi sản lượng của Mỹ sụt giảm 17,2% xuống còn 21,1 triệu hl, do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt.

Triển vọng phục hồi mức tiêu thụ rượu vang vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Một số doanh nghiệp lớn trong ngành như chuỗi bán lẻ rượu vang nổi tiếng của Pháp Nicolas cho rằng thị trường đang chứng kiến sự sụt giảm mang tính thế hệ. Nguyên nhân do ngày càng ít người uống rượu trong các dịp lễ hội và giới trẻ có xu hướng uống ít hơn so với thế hệ trước.

Tuy nhiên, dù uống ít hơn, người tiêu dùng lại có xu hướng chọn các loại rượu chất lượng cao hơn và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho mỗi chai rượu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục