Tìm biện pháp “gỡ khó” khi thực hiện chính sách tín dụng cho tàu 67

20:03' - 05/07/2018
BNEWS Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay Thanh Hóa đã đóng mới được 58 tàu các theo Nghị định 67 với 17 tàu dịch vụ hậu cần, 23 tàu vỏ thép và 35 tàu vỏ gỗ.
Vệc thực hiện NĐ 67 đang phát sinh nhiều vướng mắc đòi hỏi phải được tháo gỡ kịp thời để chính sách phát huy hết hiệu quả trong thực tiễn đời sống. Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh/TTXVN
Ngày 5/7, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định 67 Thanh Hóa - UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả và bàn biện pháp khắc phục hạn chế, vướng mắc khi thực hiện chính sách tín dụng đóng mới tàu cá theo Nghị định 67.

Theo đó, thực hiện một số chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời chỉ đạo các sở ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai đồng bộ các chính sách phát triển thủy sản đến các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các chính sách tín dụng đóng mới tàu cá, tạo điều kiện cho ngư dân đóng tàu công suất lớn với trang thiết bị hiện đại để khai thác vùng biển xa, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo tổ quốc.

Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay Thanh Hóa đã đóng mới được 58 tàu các theo Nghị định 67 với 17 tàu dịch vụ hậu cần, 23 tàu vỏ thép và 35 tàu vỏ gỗ. Các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 58 chủ tàu, giải ngân 652,5 tỷ đồng, thu nợ được 28,2 tỷ đồng, dư nợ đạt 624,3 tỷ đồng; đồng thời ký hợp đồng cho vay vốn lưu động cho 35 chủ tàu với tổng doanh số cho vay là 40 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 20,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên hiện nay việc thực hiện NĐ 67 đang phát sinh nhiều vướng mắc đòi hỏi phải được tháo gỡ kịp thời để chính sách phát huy hết hiệu quả trong thực tiễn đời sống.

Tại hội nghị, ngư dân Nguyễn Văn Hẩu, chủ tàu TH 92368-TS (xã Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn) cho biết, đầu tư hơn chục tỷ để đóng tàu mới nhưng tàu hoạt động không hiệu quả, hay bị hư hỏng, nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn kiệt, ngư trường khai thác bị hạn chế… Năm 2017, chi phí sửa tàu gia đình tự bỏ ra khoảng 150 triệu đồng nhưng chưa được nhận hỗ trợ từ nhà nước. Năm 2018, ra khơi 5 chuyến nhưng đều bị lỗ.

Vì thế anh Nguyễn Văn Hẩu xin được kiến nghị các cấp chính quyền có kế hoạch giãn nợ hỗ trợ cho bà con ngư dân, vì tàu thuyền đang nằm bờ mà vẫn phải trả tiền hằng tháng cho ngân hàng…

Ông Trần Văn Thành, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Thanh Hóa khẳng định, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Thanh Hoá đã cho 38 chủ tàu vay vốn để đóng tàu cá theo Nghị định 67 với tổng số vốn là hơn 329 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đóng tàu đến 30/6/2018 là 313,6 tỷ đồng.

"Thực tế hơn 1 năm nay, nhiều chủ tàu trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá không chấp hành nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi theo cam kết. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá đã phải cho cơ cấu, điều chỉnh lại kỳ hạn nợ, nhưng các chủ tàu vẫn không trả nợ theo phân kỳ mới, dẫn đến phải chuyển nợ quá hạn. Nếu tình hình này không được chấn chỉnh, khắc phục sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách của Chính phủ và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá”, ông Thành nói.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa, sau khi hoàn thành đóng mới, 58 tàu cá của Thanh Hóa đi vào hoạt động, tổ chức sản xuất theo Tổ đoàn kết, ngoài khai thác ở ngư trường truyền thống Vịnh Bắc bộ, một số chủ tàu đã mở rộng khai thác ở ngư trường miền Trung, miền Nam và các vùng biển xa. Đến thời điểm này, trong tổng số 58 tàu đóng mới có 24 tàu khai thác hiệu quả (chiếm 41,3%), 21 tàu hòa vốn (36,2%) và 13 tàu khai thác chưa hiệu quả (22,4%).

Điều đáng nói là trong 13 tàu khai thác chưa hiệu quả có tới 9 tàu vỏ thép. Trong quá trình khai thác, chủ tàu, thuyền trưởng vận hành các trang thiết bị khai thác chưa thành thạo, bên cạnh đó lại thường xảy ra các sự cố về hệ thống điện, tời, cẩu.. nên ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian bám biển khai thác, thời gian đi lại sửa chữa nhiều lần làm chi phí tăng cao...

Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, một số tàu vỏ thép ở các huyện Hậu Lộc, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, thành phố Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) trong quá trình vận hành đã gặp phải những hư hỏng. Đó là, vỏ tàu han gỉ, sơn bong tróc; trang thiết bị khai thác như tăng gông, dàn đèn, tời... gặp trục trặc. Hệ thống điện phục vụ khai thác như máy phát điện, đường điện, bóng đèn, balat.. hư hỏng, cháy nổ.

Ngoài ra, hệ thống lái, hầm bảo quản sản phẩm cũng không đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, phải sửa chữa trong thời gian dài nên khai thác chưa hiệu quả.

Đến thời điểm này 23 tàu vỏ thép của Thanh Hóa đã phối hợp với các cơ sở đóng sửa tàu thực hiện quy trình duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép. Các tàu đã thực hiện việc bảo dưỡng, đánh gỉ, làm sạch bề mặt, sơn dặm tàu từ mớn nước trở lên và các sửa chữa nhỏ.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chủ tàu vỏ thép nào trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được thụ hưởng chính sách duy tu, sửa chữa định kỳ cho tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ do các chủ tàu chưa hoàn thiện hồ sơ để thụ hưởng chính sách với các lý do như: thiếu văn bản phối hợp với nhà máy và cơ quan đăng kiểm tàu cá khảo sát, xây dựng các nội dung, hạng mục cần sửa chữa theo quy định...

Bà Hoàng Thị Yến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa khẳng định, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai các chính sách bảo hiểm và duy tu, sửa chữa định kỳ tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 đang được các ngành chức năng của tỉnh khẩn trương vào cuộc, tháo gỡ tạo ổn định, giúp ngư dân yên tâm sản xuất trên các vùng biển xa của Tổ quốc.

"Để ngư dân sớm được hưởng các chính sách hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hoá đã có nhiều văn bản gửi các huyện, thành phố hướng dẫn chủ tàu hoàn thiện hồ sơ để thụ hưởng các chính sách duy tu, sửa chữa định kỳ đối với tàu vỏ thép…”, bà Yến cho hay.

Liên quan đến chính sách tín dụng, doanh số thu nợ luỹ kế đến hết tháng 5/2018 của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh mới đạt 28,2 tỷ đồng; trong đó có tới 20 tàu cá vỏ thép trả nợ không đúng kỳ hạn với ngân hàng tập trung ở các huyện Hậu Lộc (8 tàu), Hoằng Hoá (6 tàu), Sầm Sơn (5 tàu)…

Bên cạnh đó có 1 số chủ tàu không hợp tác với ngân hàng trong việc khai báo thu nhập thực tế, có tư tưởng ỷ lại vào chính sách, cố tình không trả nợ cho ngân hàng. Thời gian tới, ngành nông nghiệp Thanh Hoá sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả của các tàu 67 hoạt động hiệu quả thấp, nằm bờ, không có khả năng trả nợ ngân hàng theo hợp đồng tín dụng, từ đó đưa ra các giải pháp giải quyết đối với những tàu cá này.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyên vọng của đông đảo ngư dân trong tỉnh.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định 67 tỉnh Thanh Hoá yêu cầu các sở, ngành, địa phương thời gian tới cần tiếp tục duy trì việc hỗ trợ chính sách duy tu, sửa chữa định kỳ cho các tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 và hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho các tàu dịch vụ hậu cần khai thác xa bờ có tổng công suất máy chính 400 CV trở lên đến hết năm 2020.

Trong 6 tháng cuối năm 2018, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục hướng dẫn ngư dân sản xuất theo mô hình Tổ đoàn kết trên biển, tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết sản xuất giữa khai thác, dịch vụ hậu cần trên biển và vận chuyển tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ ngư dân nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm khai thác, nâng cao hiệu quả đánh bắt; tiếp tục hướng dẫn chủ tàu trong việc duy tu, sửa chữa theo định kỳ, kịp thời phát hiện trục trặc, hỏng hóc đối với tàu vỏ thép để có biện pháp đảm bảo an toàn khi hoạt động.

Đối với các chủ tàu 67 phải nhận thức đúng quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 Chính phủ, phải hoàn trả vốn vay đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi theo quy định để được hưởng các chính sách hỗ trợ lãi suất của nhà nước. Đồng thời mua bảo hiểm cho thuyền viên và người làm việc trên tàu cá, khuyến khích mua bảo hiểm thân tàu theo quy định.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa, trên cơ sở hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh gia hạn nợ, kéo dài thời gian ân hạn đối với chủ tàu cá vỏ thép phải nằm bờ do gặp phải hư hỏng, trục trặc. Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai việc cho vay vốn lưu động đối với chủ tàu 67, thực hiện chuyển đổi chủ nợ trong trường hợp chủ tàu không đủ năng lực để hoạt động khai thác theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục