Tìm giải pháp giảm thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo

16:38' - 22/04/2020
BNEWS Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 18/4 số gạo tồn kho trong các hội viên VFA là 1.945.000 tấn; trong đó, lượng gạo đã ký hợp đồng xuất khẩu là hơn 1,7 triệu tấn

Phải giải phóng ngay lượng gạo đã tập kết tại cảng và tồn kho cho doanh nghiệp, điều chỉnh những bất cập trong điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua là nội dung được nhiều đại biểu, doanh nghiệp kiến nghị tại cuộc họp của Đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình gạo hàng hóa ở cảng phục vụ điều hành xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/4, tại Tp. Hồ Chí Minh.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho rằng, việc dừng xuất khẩu gạo, sau đó chỉ cho xuất theo hạn ngạch thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp và địa phương trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long bất ngờ.

Trên thực tế, mặc dù bị hạn mặn nhưng sản lượng lúa gạo ở Đồng bằng Sông Cửu Long trong vụ Đông Xuân vừa qua không hề giảm và nhu cầu tiêu thụ của thị trường xuất khẩu đang tốt, đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng lợi nhuận cho người trồng lúa.

“Đối với vấn đề an ninh lương thực, hiện nay tất cả doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều phải thực hiện dự trữ lưu thông tối thiểu là 5% sản lượng xuất khẩu theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, con số này còn lớn hơn lượng gạo dự trữ mà Chính phủ yêu cầu. Do đó, Chính phủ và Bộ, ngành có thể giao nhiệm vụ dự trữ cho địa phương, địa phương cam kết và yêu cầu doanh nghiệp chấp hành đúng quy định dự trữ, xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng cam kết”, ông Lê Minh Đức phân tích.

Thay mặt cho các doanh nghiệp Long An, Sở Công Thương Long An kiến nghị cho thông quan ngay đối với mặt hàng gạo nếp, vốn không liên quan đến dự trữ quốc gia và nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng rất thấp. Tiếp đó cần dỡ bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo vì hiện nay lượng gạo tồn trong kho doanh nghiệp rất lớn, cần được giải phóng để chuẩn bị cho vụ Hè Thu sắp tới. 

Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, qua thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn, số lượng gạo mở tờ khai từ tháng 3 là hơn 43.000 tấn, ngoài ra còn có 76.200 tấn gạo đã chuyển đến cảng nhưng chưa mở được tờ khai gây thiệt hại kinh tế rất lớn. Cần Thơ kiến nghị cho thông quan toàn bộ số gạo đã chuyển đến cảng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại diện tỉnh Kiên Giang thông tin, số lượng gạo của doanh nghiệp đã cập cảng trước lệnh dừng xuất khẩu là 60.000 tấn và lượng gạo còn tồn kho của doanh nghiệp lên tới 173.000 tấn. Trong khi đó, lúa Hè Thu đã xuống giống được 100 ngày sắp đến thời gian thu hoạch. Doanh nghiệp phải chi phí phát sinh do lưu kho, bãi, tiền lãi vay ngân hàng thu mua lúa gạo trước đó và nguy cơ đền hợp đồng do không giao được hàng đúng hẹn.

Nêu điển hình về thiệt hại, một doanh nghiệp xuất khẩu tại An Giang cho biết, hiện tại doanh nghiệp này đã chất hàng lên hai tàu cập tại cảng Mỹ Thới với số lượng 9.700 tấn. Điều đáng nói số hàng này doanh nghiệp đã mở được tờ khai hải quan vào lúc 1h 51 phút ngày 12/4 sau khi Bộ Công Thương công bố hạn ngạch xuất khẩu tháng 4.

Tuy nhiên đến ngày 13/4 khi kiểm tra lại thì toàn bộ thông tin tờ khai trên hệ thống hải quan điện tử bị xóa không rõ lý do. Đến hôm nay doanh nghiệp đã bị phía chủ tàu thông báo phạt do quá thời hạn giữ tàu với số tiền lên tới 200.000 USD.

Một doanh nghiệp khác, chuyên xuất khẩu gạo đi Trung Quốc cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Mặc dù đã đóng hàng từ trước ngày 23/3 nhưng theo yêu cầu phía Trung Quốc là phải khử khuẩn thiết bị chứa gạo trong 5 ngày nên đơn hàng bị kẹt lại đến nay chưa xuất được. Trong khi đó, mỗi ngày neo tại cảng doanh nghiệp phải trả 350 triệu đồng cho hãng tàu, chưa kể khả năng phải đền hợp đồng.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 18/4 số gạo tồn kho trong các hội viên VFA là 1.945.000 tấn; trong đó, lượng gạo đã ký hợp đồng xuất khẩu là hơn 1,7 triệu tấn và lượng gạo giao đến cuối tháng 5/2020 là 1,3 triệu tấn.

Vì thế, dù được thông quan hết số gạo đã ký hợp đồng thì lượng gạo tồn trong doanh nghiệp vẫn còn khoảng 200.000 tấn, chưa kể lượng gạo trong các doanh nghiệp, thương gia ngoài VFA. Do vậy, không có vấn đề gì đáng lo ngại đối với an ninh lương thực.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA cho rằng, doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm về an ninh lương thực quốc gia với Chính phủ và các Bộ, ngành, tuy nhiên trên thực tế, cơ chế điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc.

“Tại cuộc họp ngày 20/4 với Văn phòng Chính phủ, VFA đã kiến nghị cho xuất khẩu gạo nếp tự do và không tính vào hạn ngạch xuất khẩu gạo. Đồng thời mong muốn Chính phủ cho ứng trước 100.000 tấn gạo hạn ngạch xuất khẩu tháng 5 để giải phóng nhanh lượng gạo tồn tại cảng. Tuy nhiên sau khi Chính phủ đồng ý với kiến nghị trên thì các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó trong việc mở tờ khai hải quan và chưa thể xuất được gạo nếp”, ông Nam phản ánh.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Nam, hiện nay thống kê lượng gạo tồn trong doanh nghiệp đã khẳng định việc xuất khẩu như thường lệ hàng năm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực và tiêu dùng trong nước.

Để cân đối mục tiêu an ninh lương thực và xuất khẩu, Chính phủ có thể yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu tăng tỷ lệ dự trữ lưu thông từ 5% lên 10 -15% tùy mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai nhưng không nên cấm xuất khẩu hoặc hạn chế hạn ngạch khiến doanh nghiệp trở tay không kịp cũng như phát sinh nhiều bất cập, tiêu cực.

Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp và Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị các Bộ, ngành nhanh chóng cho thông quan toàn bộ lượng gạo đã cập cảng trước ngày 24/3 dựa theo xác nhận của hải quan và đơn vị khai thác cảng để cắt ngắn chuỗi thiệt hại cho doanh nghiệp. Đồng thời kiến nghị từ tháng 5 trở đi dỡ bỏ hạn ngạch, cho xuất khẩu gạo tự do để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu và thu mua lúa của nông dân.

Trả lời những ý kiến của doanh nghiệp và hiệp hội, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 163/TB-VPCP ngày 21/4/2020, sáng ngày 22/4 Bộ Công Thương đã có công văn 2824/BCT –XNK gửi Bộ Tài Chính với nội dung: Việc xuất khẩu gạo nếp (thóc nếp, gạo nếp, tấm nếp) trong tháng 4/2020 được thực hiện theo nhu cầu thị trường, không chịu sự điều chỉnh theo cơ chế điều hành xuất khẩu gạo tại văn bản 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020. Số lượng gạo nếp đã mở tờ khai hải quan xuất khẩu trong tháng 4, kể cả số lượng đã thực xuất không tính vào hạn ngạch xuất khẩu.

Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài Chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu cơ quan hải quan tại các cửa khẩu quốc tế thống kê lượng gạo hiện đang ở cảng, cửa khẩu nhưng chưa đăng ký được tờ khai hải quan xuất khẩu, cụ thể theo tên doanh nghiệp, thương nhân, lượng gạo tồn và ngày đưa vào cảng, bãi...

Đồng thời thống kê số lượng gạo của các thương nhân đã mở tờ khai xuất khẩu nhưng có dấu hiệu khai khống để giữ chỗ như không có số container, số seal, tên tàu và đến nay chưa thực hiện tờ khai hải quan xuất khẩu đã được đăng ký.

Trên cơ sở đó cho ý kiến về phương án điều phối sử dụng hạn ngạch 100.000 tấn được ứng trước từ tháng 5 để giải quyết cho các thương nhân có gạo đưa vào cảng trước ngày 24/3 nhưng chưa mở được tờ khai hải quan được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị Tổng cục Hải quan kiểm tra, xác nhận các doanh nghiệp đã mở được tờ khai hải quan trong ngày 12/4 nhưng sau đó bị mất thông tin tờ khai. Nếu xác thực được sẽ đưa ngay vào diện ưu tiên xuất khẩu trong số 100.000 tấn hạn ngạch ứng trước của tháng 5 để giảm thiểu thiệt hại.

Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, phản ánh của doanh nghiệp bị mất tờ khai hải quan sẽ được Cục Công nghệ thông tin rà soát, xử lý và phản hồi ngay cho các bên.

Tuy nhiên theo ông Mai Xuân Thành, vấn đề hiện nay là con số thống kê lượng gạo thực tồn tại cảng của doanh nghiệp không thống nhất. Theo số lượng lần đầu VFA báo cáo là 144.000 tấn, lần thứ 2 thì ước tính dưới 300.000 tấn và số liệu ngày 21/4 là 173.000 tấn.

Trong khi đó, theo tổng hợp của hải quan thì số gạo tại địa bàn cảng mới có trên 49.000 tấn. Số liệu không thống nhất và có sự chênh lệch lớn nên rất khó để hải quan có thể cam kết giải phóng toàn bộ hàng tại cảng trong tháng 4 này. 

Do vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị phía hiệp hội, doanh nghiệp nhanh chóng đối soát lại số liệu hàng tại cảng, chi tiết cụ thể vị trí của container tại cảng hay kho bãi trung gian để việc xử lý thông quan được thông suốt và thuận lợi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục