Tìm giải pháp giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết Dengue

20:00' - 27/12/2017
BNEWS Các chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm trong điều trị sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em, trẻ sơ sinh, người lớn, những bệnh nhân béo phì, bệnh nhân sốt xuất huyết...
Phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành phòng chống dịch sốt xuất huyết tại các công trường xây dựng trên địa bàn quận Tây Hồ. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Giảm hơn nữa tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết Dengue, giảm tải cho tuyến trên trong điều trị sốt xuất huyết Dengue, chủ động chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với bệnh dịch sốt xuất huyết Dengue và duy trì hoạt động của các bệnh viện khi dịch lan rộng... là những nội dung được đưa ra tại Hội nghị giao ban công tác điều trị Sốt xuất huyết Dengue khu vực phía Nam do Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/12.

Theo số liệu, đến thời điểm này, cả nước ghi nhận 181.054 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 30 trường hợp tử vong. Trong đó, số trường hợp nhập viện là 152.659 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (124.443/39) số mắc tăng 22,7%, số tử vong giảm 9 trường hợp. 10 tỉnh, thành phố có số ca mắc cao nhất cả nước là: Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp. Trong đó, Hà Nội có 7 trường hợp tử vong, các tỉnh, thành còn lại có 2 - 3 trường hợp tử vong.

Tuy vậy, qua phân tích 30 trường hợp tử vong, các chuyên gia y tế cho rằng có thể rút kinh nghiệm và giảm tỷ lệ tử vong hơn nữa. Do đó, tại Hội nghị, các chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm trong điều trị sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em, trẻ sơ sinh, người lớn, những bệnh nhân béo phì, bệnh nhân sốt xuất huyết trên nhiều bệnh nền khác nhau…

Tiến sỹ Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ, sốt xuất huyết Dengue tử vong do sốc kéo dài. Do đó, các nhân viên y tế cần phải đặc biệt quan tâm đến phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ, theo dõi sát, sử dụng các trang thiết bị hỗ trợ đúng thời điểm, cải thiện chuyển viện an toàn và hội chẩn trực tuyến liên tục.

Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Hà, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, cần theo dõi sát diễn biến các ca sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, phát hiện chuyển tuyến chuyên khoa sớm các ca sốt xuất huyết Dengue nặng. Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh phải tập huấn rộng rãi các đối tượng trong bệnh viện, tăng cường trao đổi ca bệnh và cách xử trí bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Thường, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, năm 2017, Bệnh viện đã điều trị điều trị 6.000 ca sốt xuất huyết, trong đó có 800 ca là trẻ em Đặc biệt, lần đầu tiên Bệnh viện có 8 trẻ sơ sinh từ 4 - 7 ngày tuổi bị sốt xuất huyết. Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Thường, sốt xuất huyết Dengue ở trẻ sơ sinh có biểu hiện lâm sàng hết sức đa dạng, từ nhẹ không có triệu trứng tới Dengue nặng có sốc. Bên cạnh đó, cơ chế lây truyền từ mẹ sáng con chưa rõ ràng; giảm tiểu cầu dai dẳng mặc dù được truyền tiểu cầu, có bằng chứng tràn dịch là các yếu tố tiên lượng bệnh nặng. Do đó, trẻ sơ sinh nhiễm Dengue cần được giữ theo dõi ít nhất 2 tuần từ khi được chẩn đoán/ có biểu hiện đầu tiên của bệnh.

Tiến sỹ Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, sốt xuất huyết không phải là bệnh dịch lạ mới nổi. Tuy nhiên, trước tình trạng số mắc bất thường như năm 2017 cần phải có sự chuẩn bị tốt cho các mùa dịch sau. Vấn đề quan trọng hàng đầu là phát hiện sớm; phân loại bệnh nhân ngay từ đầu, khi xử trí sốc cần phải có sự phối hợp của các chuyên khoa cùng hỗ trợ. Theo Tiến sỹ Cường, cần xây dựng mạng lưới phòng, chống sốt xuất huyết, phát huy vai trò điều trị sốt xuất huyết Dengue dựa vào cộng đồng tại các bệnh viện tuyến cơ sở và bệnh viện tư nhân.

Tại Hội nghị, các vấn đề liên quan đến điều trị sốt xuất huyết Dengue ở người cao tuổi; ở những bệnh nhân có kèm bệnh nền, sốt xuất huyết Dengue ở trẻ sơ sinh; vấn đề truyền dịch; vấn đề theo dõi bệnh nhân... cũng được các đại biểu quan tâm.

Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa đề nghị các bệnh viện tiếp tục duy trì liên tục "Đường dây nóng chống dịch" với đơn vị tuyến cuối của công tác điều trị phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue để có thể thường xuyên xin ý kiến hướng dẫn, trao đổi thông tin về chuyên môn, đồng thời hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới. Các đơn vị tuyến cuối, tuyến tỉnh và tuyến huyện thành lập "Nhóm điều trị sốt xuất huyết Dengue" tại bệnh viện.

Nhóm điều trị sốt xuất huyết Dengue bao gồm bác sĩ, điều dưỡng các khoa: Truyền nhiễm, Nhi, Hồi sức cấp cứu và khoa Khám bệnh có kinh nghiệm, kiến thức và năng lực chuyên môn tốt về xử trí các trường hợp sốt xuất huyết Dengue do một lãnh đạo bệnh viện trực tiếp phụ trách để thường xuyên thảo luận, rút kinh nghiệm điều trị, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới trong xử lý cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue; hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến, trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục