Tìm hiểu thái độ của Tổng thống Trump đối với châu Âu

05:30' - 10/08/2018
BNEWS Điểm mấu chốt gây căng thẳng giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hiện nay là thái độ của ông Donald Trump coi thường EU, tệ hơn bất kỳ Tổng thống Mỹ nào kể từ khi EU được thành lập.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp bàn về Hiệp định Paris. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyên mục “Ý kiến nhận định” của tờ Globe and Mail mới đây đăng bài viết của tác giả Andrew Hammond giải thích lý do tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn phá vỡ Liên minh châu Âu (EU). 

Theo tác giả, trong bối cảnh không có nhiều hy vọng cải thiện căng thẳng thương mại với Mỹ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker khi gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng mới đây là làm dịu căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương, nhất là sau hai Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp lớn nhất thế giới (G7) ở Canada và Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Bỉ.

Điểm mấu chốt gây căng thẳng giữa Mỹ và EU hiện nay là thái độ của ông Donald Trump coi thường EU, tệ hơn bất kỳ Tổng thống Mỹ nào kể từ khi EU được thành lập. Ông Trump không chỉ bực tức về mức chi tiêu quốc phòng quá thấp của EU so với Mỹ, mà còn thất vọng trước mức thâm hụt thương mại của Mỹ với EU. 

“Thuế quan (là công cụ) thật tuyệt! Quốc gia từng đối xử không công bằng với Mỹ nên thương lượng một thỏa thuận công bằng, nếu không muốn chịu thuế quan. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng mọi người vẫn bàn tán. Nên nhớ chúng tôi chẳng khác nào ‘lợn đất’ bị moi ruột”, ông Trump cảnh báo trên Twitter.

Dòng tweet này xuất phát từ những nhận xét đáng chú ý chỉ một tuần trước đó của ông Trump khi ông thẳng thắn tuyên bố: “Tôi coi EU là kẻ thù, xét tới những gì họ làm với chúng tôi trong thương mại”. 

Mặc dù một số người cho rằng đây chỉ là tuyên bố bốc đồng của nhà lãnh đạo Mỹ, nhưng theo Anthony Gardner, cựu Đại sứ Mỹ tại EU dưới thời Tổng thống Barack Obama, châu Âu “cần tỉnh táo” trước ý định của Mỹ muốn phá vỡ EU. “Hãy nhớ phương châm của Bỉ: Đoàn kết tạo nên sức mạnh”, Gardner nhắn nhủ.

Sự tương phản giữa ông Trump, với lời kêu gọi có thêm nhiều “Brexit” trong EU, với chính sách của nước Mỹ ở thời điểm châu Âu mới hội nhập ngày càng bộc lộ rõ. 

Trong bài phát biểu về mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương năm 1962, Tổng thống Mỹ khi đó là John Kennedy đã thể hiện rõ quan điểm cốt lõi của Washington về một châu Âu hội nhập, cho rằng châu Âu đoàn kết sẽ đẩy lùi chiến tranh trong tương lai, trở thành đối tác mạnh của Mỹ trước những thách thức của Liên Xô và tạo ra thị trường sôi động mang lại thịnh vượng cho cả hai bờ Đại Tây Dương. 

Tuy nhiên, thái độ sau này của Mỹ ngày càng mâu thuẫn, đặc biệt dưới các thời chính quyền Cộng hòa gần đây.

Đơn cử trong lĩnh vực kinh tế, việc châu Âu muốn hình thành thị trường chung thống nhất đã khiến Mỹ hết sức lo ngại về nguy cơ một ngày nào đó sẽ phải đối mặt với “Pháo đài châu Âu”. Tương tự, khi châu Âu phát hành đồng tiền chung, Mỹ cũng lo lắng sẽ bị mất lợi thế trong lĩnh vực tài chính và chính sách kinh tế vĩ mô. 

Chưa hết, trong lĩnh vực cạnh tranh, việc Ủy ban châu Âu ngày càng quyết đoán cũng làm Mỹ lo ngại về khả năng tiếp cận EU. Trên một dòng tweet đăng cách đây không lâu, ông Trump viết: “EU vừa ghi phiếu phạt 5 tỷ USD đối với Google, một trong những tập đoàn lớn của chúng ta. Họ đang thực sự chiếm lợi thế trước Mỹ, nhưng điều này sẽ không còn kéo dài!”

Trước thời Donald Trump, chính quyền George W. Bush cũng từng đặt câu hỏi về giá trị của một châu Âu hội nhập. Điều này thể hiện rõ trong cuộc tranh cãi về tấn công Iraq khi Washington chất vấn những lợi ích hợp tác với EU trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. 

Vào đêm trước khi NATO công bố báo cáo quốc phòng năm 2003, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Donald Rumsfeld thậm chí còn phân định rạch ròi giữa “châu Âu cũ” và “châu Âu mới”, trong đó ông nói rõ “châu Âu mới” mang lại nhiều lợi ích hơn cho nước Mỹ.

Chính quyền Bush cuối cùng cũng nhận ra rằng cần phải từ bỏ cách tiếp cận này với EU, nhưng có vẻ như ông Trump không sẵn sàng làm điều đó, thậm chí còn đưa ra một số lập luận bảo vệ quan điểm hiện nay. Một trong những điểm đáng chú ý là ông Trump luôn tìm cách chia rẽ Đức và Pháp, hai đầu tàu chính của EU. 

Theo một số tài liệu, tháng 5 vừa qua, Tổng thống Trump đã "rỉ tai" người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron rằng nước Pháp sẽ tốt hơn nếu rời bỏ EU để có một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Mỹ, và rằng một thỏa thuận thương mại riêng giữa hai nước sẽ tốt hơn là một thoả thuận chung của Mỹ với toàn EU.

Ông Trump đưa ra đề xuất trên sau khi ông ra sức chỉ trích Đức về mức thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ. Mặc dù không thành công trong việc chia tách hai đầu tàu của EU nhưng ông Trump là người bộc lộ rõ nhất từ trước tới nay về quan điểm của Nhà Trắng trước một châu Âu hội nhập. Ông Donald Trump sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên không chỉ muốn làm suy yếu EU, mà còn muốn phá vỡ liên minh có trụ sở ở Brussels này.

       

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục