Tìm kiếm cơ hội khi thị trường chứng khoán đã lập đỉnh

14:01' - 06/11/2021
BNEWS Dù khối ngoại đã trở lại bán ròng mạnh và áp lực chốt lời xuất hiện, nhưng dòng tiền chốt lời không rời bỏ thị trường mà liên tục tìm các cơ hội mới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tuần (từ 1- 5/11) tăng thứ 2 liên tiếp và lập đỉnh cao mới, thanh khoản thị trường cũng lập kỷ lục lịch sử. Dù khối ngoại đã trở lại bán ròng mạnh và áp lực chốt lời xuất hiện, nhưng dòng tiền chốt lời không rời bỏ thị trường mà liên tục tìm các cơ hội mới, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu đầu cơ. Giới phân tích từ các công ty chứng khoán nhận định, dư địa tăng vẫn còn và VN-Index có thể tiếp tục hướng đến những mức điểm cao mới.

* “Chông chênh” trên đỉnh

Dù vẫn tin rằng thị trường diễn biến tích cực trong tuần tới, song các nhà phân tích từ Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, đây là giai đoạn khá "chông chênh" của thị trường.

Sau khi VN-Index vượt mốc 1.400 điểm một cách thuyết phục, VCBS thấy rằng tâm lý của nhà đầu tư trong tuần vừa qua được duy trì khá tích cực. Tuy nhiên, tâm lý chốt lời ngắn hạn cũng đã bắt đầu hiện hữu khiến cho đà tăng của chỉ số bị thu hẹp phần nào.

Thêm vào đó, việc những chỉ số kỹ thuật đi vào vùng quá mua (thuật ngữ chỉ một chứng khoán mà những nhà phân tích tin rằng đang được giao dịch cao hơn giá trị nội tại của nó) có thể sẽ khiến cho lực cung trên thị trường trở nên mạnh hơn trong những phiên tới.

VCBS cho rằng, nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục nhưng nên đi chiến lược "lướt sóng" ngắn hạn theo dòng tiền trong bối cảnh thị trường hiện tại, đồng thời cần chú ý quản trị rủi ro, không nên chỉ "mua đuổi" theo giá cổ phiếu.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), tuần qua từ (1-5/11), thị trường đi lên bền vững ở cả chỉ số và thanh khoản, chỉ số VN-Index tiếp tục duy trì chuỗi tăng sang tuần thứ 2 liên tiếp và trong 5 tuần gần đây thị trường đã có tới 4 tuần tăng.

Đáng chú ý dòng tiền liên tục xoay vòng từ nhóm cổ phiếu bất động sản sang nhóm ngân hàng, chứng khoán, dầu khí… và rất có thể tiếp tục đến nhóm cảng biển, vật liệu xây dựng, bất động sản khu công nghiệp… “Điều đó cho thấy dòng tiền chốt lời không dời bỏ thị trường mà liên tục tìm các cơ hội mới, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu đầu cơ”, MBS nhận định.

Dưới góc nhìn của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SHS), thanh khoản trong tuần qua lập kỷ lục mới cho thấy lực cầu mua lên là thực sự mạnh và dòng tiền vẫn đang tiếp tục đổ vào thị trường.

Khối ngoại quay trở lại bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng trên hai sàn cũng phần nào đó thu hẹp mức tăng của thị trường. Tuy nhiên, trên góc nhìn kỹ thuật, thị trường tiếp tục nằm trong sóng tăng với mục tiêu theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1.550 điểm.

Do đó, dư địa tăng vẫn còn nên trong tuần giao dịch tiếp theo 8-12/11, VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm để hướng đến những mức điểm cao mới, tuy nhiên những phiên rung lắc có thể xảy ra trong quá trình này.

Trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán gia tăng thì VN-Index có thể sẽ cần kiểm tra lại lực cầu quanh ngưỡng tâm lý 1.450 điểm, SHS nêu quan điểm.

Về diễn biến thị trường tuần qua, cả điểm số và thanh khoản đều đạt kỷ lục lịch sử. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch (từ 1 - 5/11), VN-Index tăng 12,24 điểm lên 1.456,51 điểm; HNX-Index tăng 15,52 điểm lên 427,64 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 36.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 21,1% lên 159.797 tỷ đồng tương ứng với khối lượng tăng 22,9% lên 5.451 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 23,1% lên 21.663 tỷ đồng tương ứng với khối lượng tăng 18,9% lên 877 triệu cổ phiếu.

Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng tích cực trong tuần qua. Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất với 2,6% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu tăng trong nhóm như: MBB tăng 0,5%, ACB tăng 1,5%, TCB tăng 2,7%, CTG tăng 3,8%, STB tăng 3,9%, OCB tăng 7,1%, MSB tăng 7,4%, LPB tăng 10,8%, SHB tăng 12,7%.

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghiệp với mức tăng 1,8% giá trị vốn hóa. Nhóm hàng tiêu dùng và công nghệ thông tin cùng mức tăng 1,2% chủ yếu nhờ mức tăng các cổ phiếu trụ cột trong nhóm như: FPT tăng 0,7%, CMG tăng 0,8%, SAB tăng 7,2%...

Các nhóm cổ phiếu như tài chính tăng 0,2% giá trị vốn hóa, dược phẩm và y tế tăng 0,3%, nguyên vật liệu tăng 0,4%.

Ở chiều ngược lại, nhóm tiện ích cộng đồng giảm mạnh nhất với 1% giá trị vốn hóa, chủ yếu do mức giảm của cổ phiếu trụ cột là GAS giảm 1,7%.

Nhóm dầu khí giảm 0,5% giá trị vốn hóa. Các mã dầu khí giảm như: PVT giảm 0,2%, PVB giảm 1,2%, BSR  giảm 2,4%, PVS giảm 5,6%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có đỉnh lịch sử mới, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ cũng leo lên mốc kỷ lục.

*Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục

Theo đó, số việc làm khả quan của Mỹ trong tháng Mười đã đưa chứng khoán nước này lên các mức cao kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày 5/11, bên cạnh lực đẩy khác từ thông tin về thuốc chữa COVID-19 mới của công ty dược phẩm Pfizer.

Khép lại phiên này, tại thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,8% lên 36.400,90 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 ghi thêm 0,4% lên 4.697,53 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,2% lên 15.971,59 điểm, thậm chí trong phiên, có thời điểm chỉ số này lần đầu tiên vượt ngưỡng 16.000 điểm.

Bộ Lao động Mỹ cho biết, nền kinh tế nước này đã tạo thêm 531.000 việc làm trong tháng Mười và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,6%. Đây là số liệu khả quan hơn dự kiến, đồng thời cho thấy hoạt động tuyển dụng đang hồi sinh khi số ca mắc COVID-19 giảm.

Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận sự phấn khởi khi hãng dược phẩm Pfizer ngày 5/11 thông báo các kết quả sơ bộ thử nghiệm lâm sàng loại thuốc kháng virus dùng trong điều trị COVID-19, do hãng phát triển cho thấy thuốc có thể giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở bệnh nhân trưởng thành thuộc nhóm có nguy cơ bệnh nặng.

Sau năm phiên liên tục tăng điểm trong cả tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 1,4%, chỉ số S&P 500 tăng 2% và chỉ số Nasdaq tăng 3,1%.

Trong khi đó, phần lớn thị trường chứng khoán châu Á giảm trong phiên giao dịch chiều 5/11. Phiên này, chứng khoán Tokyo giảm điểm khi giới đầu tư lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc khi doanh nghiệp bất động sản của nước này Kaisa Group Holdings Ltd. ngừng giao dịch niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) do nợ quá hạn, tiếp nối sau vụ ngừng giao dịch của cổ phiếu Evergrande Group trước đó.

Chốt phiên 5/11, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,6% xuống 25.611,57 điểm. Thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm mạnh ngày 5/11. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,4% xuống 24.870,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của sàn Thượng Hải (Trung Quốc) cũng giảm 1% xuống 3.491,57 điểm.

Thị trường chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa phiên 5/11 giảm nhẹ so với phiên trước đó, với chỉ số Kospi tại thị trường Seoul giảm 0,47% xuống mức 2.969,27 điểm.

Các thị trường Bangkok và Jakarta cũng giảm trong phiên này. Trong khi đó, các thị trường chứng khoán tại Sydney, Singapore và Wellington tăng điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục