Tín dụng chính sách hỗ trợ người dân giảm nghèo​

08:58' - 28/01/2024
BNEWS Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động; trên 1.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập.

Năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk thực hiện triển khai hoạt động cho vay tín dụng chính sách đến 184/184 xã; ưu tiên các đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách tiếp cận được nguồn vốn, góp phần thực hiện giảm nghèo đa chiều, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, từng bước tạo sự chuyển biến về đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt, khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

 

Năm 2023, Chi nhánh đã giải ngân cho 47.858 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, tổng doanh số cho vay hơn 2.086 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, có 168.816 khách hàng vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tổng dư nợ hơn 7.356 tỷ đồng (tăng trên 1.024 tỷ đồng so với cuối năm 2022); tỷ lệ tăng trưởng đạt 16,2%.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động; trên 1.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 26.000 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn… Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đơn vị đã giải ngân được 11.468 món vay, với số tiền trên 642 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp và đơn vị liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách, triển khai có hiệu quả công tác đôn đốc, thu hồi, xử lý, quản lý nợ... Từ đó, chất lượng tín dụng tiếp tục được duy trì và nâng cao. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh gần 9,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,13%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (dưới 0,2%).

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk Đào Thái Hòa cho biết, việc triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn còn gặp một số khó khăn, do một số xã đạt chuẩn nông thôn mới nên bị cắt giảm một số chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ; nguồn vốn địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (chiếm tỷ trọng 5,8%) còn thấp so với mặt bằng chung khu vực Tây Nguyên (chiếm 7,5%) và toàn quốc (chiếm 12%)…

Theo ông Đào Thái Hòa, năm 2024, Chi nhánh tiếp tục bám sát Chỉ thị số 40/CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2022 của Ban Bí thư, Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 30/6/2023 của Tỉnh ủy Đắk Lắk về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương bổ sung nguốn vốn cho vay để đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách; tập trung ưu tiên nguồn vốn, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần triển khai hiệu quả ba Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk tặng 300 suất quà, trị giá 210 triệu đồng cho hộ nghèo, gia đình chính sách tại ba huyện Ea Súp, Ea H'leo và thị xã Buôn Hồ (mỗi suất quà gồm nhu yếu phẩm trị giá 200.000 đồng và 500.000 đồng tiền mặt).

Đây là hoạt động an sinh xã hội được tổ chức thường niên vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hộ nghèo, gia đình chính sách vui đón Tết cổ truyền của dân tộc, thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” và trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng; đồng thời, góp phần thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm an sinh xã hội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục